Việc các sàn thương mại điện tử thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán được đánh giá là bước cải cách có tính đột phá trong quản lý thuế. Thay vì phải tự kê khai, nộp thuế như trước, người bán giờ đây được hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và hạn chế rủi ro sai sót.
Chị Lê Mai, chủ shop thời trang nữ tại Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây tôi phải tự tìm hiểu, kê khai, nộp thuế. Giờ có sàn làm thay thì tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.” Theo chị, mặc dù phải tăng giá bán khoảng 10% để bù các khoản phí và chi phí thuế, nhưng đổi lại, quá trình bán hàng diễn ra minh bạch, dễ theo dõi hơn.
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Văn Cường, chủ shop điện tử tại Hà Nội, cho biết: “Nộp thuế qua sàn giúp tiểu thương tránh bị phạt do quên hoặc nộp chậm. Đặc biệt, điều này hạn chế tình trạng đối thủ trốn thuế để bán rẻ, tuồn hàng lậu vào cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường sẽ minh bạch hơn.”
Theo các chuyên gia, việc giao trách nhiệm khấu trừ thuế cho các sàn không chỉ tăng hiệu quả quản lý nhà nước mà còn góp phần tạo lập sân chơi công bằng giữa các hình thức kinh doanh trực tuyến và truyền thống. Mỗi giao dịch đều được ghi nhận, khấu trừ tự động và có chứng từ rõ ràng, tạo điều kiện để cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu dễ dàng.
Tuy vậy, người bán cũng cần chủ động cập nhật mã số thuế, thông tin định danh và tài khoản ngân hàng để đảm bảo quy trình khấu trừ và nộp thuế chính xác. Với những người có nhiều nguồn thu nhập, việc tổng hợp và quyết toán thuế vẫn là nghĩa vụ bắt buộc.
Đại diện Shopee cho biết nền tảng này đã phối hợp với cơ quan thuế từ đầu quá trình xây dựng chính sách, đồng thời đầu tư hệ thống công nghệ để hỗ trợ người bán. Các tính năng hoàn thuế cho đơn hủy, hoàn trả một phần cũng đã được triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi của cá nhân kinh doanh.
Với những cải tiến cả về mặt chính sách và hạ tầng công nghệ, quy định nộp thuế qua sàn không chỉ giảm tải áp lực thủ tục cho người bán mà còn giúp xây dựng thị trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, kỹ năng số không còn là lợi thế phụ trợ mà đã trở thành yếu tố sống còn để người lao động tồn tại và phát triển trên thị trường việc làm. Thiếu kỹ năng số đồng nghĩa với nguy cơ bị “đứng ngoài” làn sóng tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện đại.