Theo Thông tư, hàng loạt khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực hạ tầng – xây dựng – giao thông sẽ được giảm một nửa so với quy định hiện hành. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, các loại phí như thẩm định cấp giấy phép và chứng chỉ trong hàng không dân dụng, cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế sân bay, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay, lệ phí ra vào cảng hàng không quốc tế, phí hải quan với chuyến bay nước ngoài và phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không – sân bay đều được giảm 50%
Ở lĩnh vực đường thủy nội địa ghi nhận mức giảm tương tự đối với phí trình báo tàu, thuyền – vốn là loại phí có tính định kỳ đối với các doanh nghiệp vận tải thủy, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành.
Trong lĩnh vực đường bộ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và xe máy chuyên dùng cũng được điều chỉnh giảm 50%. Bên cạnh đó, Lĩnh vực đường sắt được giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Về phòng cháy chữa cháy (PCCC) – một trong những bước bắt buộc trong quy trình xây dựng, Bộ Tài chính cũng quyết định giảm 50% phí thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC và phí kiểm định phương tiện PCCC. Các mức thu mới áp dụng theo Thông tư số 258/2016/TT-BTC và Thông tư số 02/2021/TT-BTC.
Đặc biệt, chính sách giảm phí lần này tác động trực tiếp và tích cực đến lĩnh vực xây dựng – ngành đang chịu nhiều áp lực về chi phí đầu vào. Cụ thể, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân và chứng nhận năng lực hoạt động cho tổ chức được giảm một nửa, giúp các đơn vị thiết kế, tư vấn, giám sát tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh thủ tục hành chính.
Không chỉ vậy, các khoản phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng và thẩm định dự án đầu tư xây dựng cũng được giảm 50% theo Thông tư 27 và 28/2023/TT-BTC. Đây là những khâu then chốt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, góp phần thúc đẩy tiến độ khởi công và triển khai dự án đúng kế hoạch.
Chia sẻ khó khăn – tạo động lực phục hồi kinh tế
Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm phí, lệ phí lần này là một phần trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và áp lực phục hồi sau dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Việc cắt giảm đồng loạt các khoản thu được kỳ vọng sẽ tiếp thêm nguồn lực tài chính để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh.
Cũng theo Thông tư 64, từ ngày 1/1/2027, các khoản phí, lệ phí sẽ quay trở lại mức thu theo các Thông tư gốc, hoặc theo văn bản điều chỉnh, thay thế nếu có. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế – tài chính và phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Việc giảm 50% nhiều khoản phí và lệ phí trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng là bước đi thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí tuân thủ pháp luật và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đầu tư công đang là động lực then chốt cho tăng trưởng, chính sách này sẽ giúp rút ngắn quy trình thủ tục, thúc đẩy nhiều dự án trọng điểm sớm được triển khai.
Từ ngày 01/07/2025 đến hết năm 2026, thuế suất giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% cho nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản sẽ không được hưởng chính sách này.