Theo báo cáo kinh tế - xã hội quý II/2025 của Cục Thống kê, bình quân mỗi tháng cả nước có gần 25.500 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động. Riêng trong tháng 6, hơn 24.400 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 61,4% so với tháng trước. Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt khoảng 14.400, cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 91.200, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 9 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7%. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với cùng kỳ, phản ánh sự chủ động mở rộng sản xuất – kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.
Xét theo lĩnh vực, khối dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn với gần 70.400 doanh nghiệp mới, tăng 14,5%. Công nghiệp – xây dựng ghi nhận gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 3,4%. Nông – lâm – thủy sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực với 813 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,7%.
Bên cạnh lượng doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng gia tăng rõ rệt. Trong tháng 6, con số này đạt 14.400, tăng 79,5% so với tháng trước và 91,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, hơn 61.500 doanh nghiệp quay trở lại thị trường, nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập lên 152.700, tăng 26,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường vượt số doanh nghiệp rút lui. Trong khi bình quân mỗi tháng có khoảng 21.200 doanh nghiệp rút lui, thì con số gia nhập duy trì trên mức 25.000 – phản ánh kỳ vọng và niềm tin trở lại của khu vực kinh tế tư nhân.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh, vốn đăng ký bình quân trên mỗi doanh nghiệp lại có xu hướng giảm nhẹ. Điều này phần nào cho thấy các chủ thể khởi nghiệp chủ yếu vẫn thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn hạn chế. Bài toán đặt ra là làm sao để không chỉ tăng số lượng mà còn nâng cao chất lượng và tính bền vững trong hoạt động doanh nghiệp.
Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính… vẫn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng góp dài hạn vào nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp, bao gồm miễn – giảm thuế, ưu đãi tín dụng, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ chất lượng doanh nghiệp thành lập mới, hạn chế tình trạng đăng ký ồ ạt nhưng không hoạt động thực chất.
Cũng cần lưu ý đến nhóm doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – bình quân khoảng 22.300 doanh nghiệp mỗi tháng. Việc theo dõi nguyên nhân, có chính sách tháo gỡ kịp thời để hạn chế làn sóng rút lui diện rộng là cần thiết nhằm giữ ổn định nền kinh tế.
Con số trung bình 25.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng là minh chứng rõ nét cho sức sống mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu về nâng cao chất lượng, tăng khả năng trụ vững và phát triển dài hạn cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách nhà nước và nỗ lực tự thân từ khu vực tư nhân.
Không ít startup lựa chọn gọi vốn ngay từ giai đoạn đầu để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng thực tế cho thấy việc nhận vốn quá sớm hoặc quá nhiều có thể mang lại hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.