Diễn đàn được tổ chức bởi Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil, quy tụ hơn 80 doanh nghiệp hai nước cùng sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành Brazil. Các doanh nghiệp đầu ngành như Embraer, JBS, PVN, Viettel, Lộc Trời đã tham gia, trao đổi tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng không, viễn thông, luyện kim và năng lượng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam – Brazil đã trải qua 36 năm phát triển, trong đó việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược từ tháng 11/2024 là bước ngoặt quan trọng. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng nền tảng chính trị, ngoại giao thuận lợi để thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo ra các sản phẩm, kết quả cụ thể, có thể đo đếm và đánh giá được.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Thủ tướng chỉ rõ ba lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước, bao gồm:
Thứ nhất, nông nghiệp và chế biến sâu. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác tại chỗ, như Việt Nam đầu tư trồng lúa và chế biến gạo tại Brazil; Brazil mở rộng chăn nuôi, chế biến thịt tại Việt Nam. Hai bên cũng đã triển khai thương mại thực phẩm thiết yếu: Brazil xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, trong khi Việt Nam xuất cá tra, cá rô phi sang Brazil. Thủ tướng đề xuất sớm thành lập liên minh cà phê, xây dựng sàn giao dịch và thương hiệu cà phê chung, góp phần nâng cao vị thế hai quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và viễn thông. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp công nghệ như Viettel trong việc thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng tại Brazil, đồng thời đề nghị hai nước tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ thông minh.
Thứ ba, khai thác và chế biến khoáng sản. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng, nơi hai nước có thể hợp tác thông qua các dự án liên doanh trong khai thác dầu khí, đồng và khoáng sản hiếm phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Về thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả tăng trưởng kim ngạch song phương: gần 8 tỷ USD năm 2024, tăng 12,2% so với năm trước, chiếm hơn 34% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, con số này đạt 3,33 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra là nâng kim ngạch lên 15 tỷ USD vào năm 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Brazil hoạt động, đặc biệt về chính sách đầu tư, thuế quan, thủ tục hành chính và hỗ trợ công nghệ
Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị hai nước sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – MERCOSUR trong năm 2025, thúc đẩy tiến trình ký kết FTA song phương, đồng thời mở rộng kết nối hạ tầng – như đường bay thẳng – để giảm chi phí và thời gian lưu chuyển hàng hóa.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Brazil hoạt động, đặc biệt về chính sách đầu tư, thuế quan, thủ tục hành chính và hỗ trợ công nghệ. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần mạnh dạn triển khai các ý tưởng hợp tác thành các dự án cụ thể, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa phục vụ mục tiêu phát triển chung.
Ông Doãn Chí Thiên đại diện cho công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO) ký kết thoả thuận hợp tác với AV09 Comercio Exporter Ltda dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu.
Tại diễn đàn, nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết. Trong đó có thỏa thuận giữa Nam Việt (NAVICO) và AV09 Comercio Exporter về xuất khẩu thủy sản; dự án nuôi chim cút trị giá 200 triệu USD giữa Trọng Khôi và Fujikura Quail Genetics; hợp đồng hợp tác đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ giữa Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Gremio trong vòng 3 năm, trị giá 3 triệu USD.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi quan hệ Việt Nam – Brazil đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng với nền tảng chính trị tốt đẹp, tiềm năng kinh tế phong phú và lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc. Với cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo hai nước và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác kinh tế song phương được kỳ vọng sẽ sớm được cụ thể hóa bằng những kết quả thiết thực, đưa Việt Nam – Brazil trở thành hình mẫu mới trong kết nối Nam – Nam trên toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, đặc biệt dưới tác động của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), đang đẩy nhu cầu về hạ tầng năng lượng, thiết bị và quy hoạch lên mức cao chưa từng có. Việt Nam cần theo dõi sát xu hướng này để có chiến lược ứng phó phù hợp.