Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là nền tảng để doanh nghiệp và nhà khoa học bảo vệ thành quả nghiên cứu, tạo điều kiện để khai thác giá trị từ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình đăng ký, xét duyệt và khai thác quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến sự thiếu mặn mà từ phía các chủ thể sáng tạo.
Một trong những rào cản chính là thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch. Quy trình đăng ký bản quyền sáng chế thường kéo dài, gây khó khăn cho việc theo dõi và cập nhật thông tin. Trong khi đó, nền tảng tra cứu, xử lý trực tuyến vẫn còn sơ khai, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chi phí và thời gian thực hiện cũng là yếu tố khiến nhiều đơn vị chùn bước. Thống kê cho thấy, phần lớn hồ sơ sáng chế bị từ chối do công bố thông tin trước khi nộp đơn, hoặc vì không đủ khả năng chi trả chi phí đăng ký quốc tế – vốn rất tốn kém và kéo dài hàng chục tháng. Đặc biệt, việc thiếu cơ chế bảo vệ quyền sở hữu đang trong giai đoạn thẩm định khiến nhiều nhà khoa học e ngại công bố sản phẩm. Tâm lý lo ngại bị sao chép trước khi được cấp văn bằng bảo hộ dẫn đến sự chần chừ trong việc tiếp cận các thủ tục pháp lý cần thiết.
Trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề SHTT vẫn chưa được xem là ưu tiên. Nhiều chủ dự án khởi nghiệp chỉ tập trung phát triển sản phẩm, mà chưa dành đủ nguồn lực để xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngay từ đầu. Thực tế cho thấy, việc thiếu quyền SHTT có thể làm suy giảm đáng kể khả năng gọi vốn, thương lượng với đối tác hoặc bảo vệ thị phần. Dù nhận thức đã cải thiện, nhưng thiếu kinh nghiệm, nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật vẫn khiến nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong bảo hộ tài sản trí tuệ.
Để cải thiện tình hình, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là cần nâng cấp hạ tầng số phục vụ tra cứu, nộp đơn, theo dõi tiến độ và trao đổi thông tin giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan quản lý. Nền tảng số cần đảm bảo minh bạch, thuận tiện và đồng bộ với hệ thống dữ liệu quốc tế. Song song đó, cần cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định để giảm áp lực cho người nộp đơn. Đồng thời, cần ban hành chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn pháp lý chuyên sâu về SHTT, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở nghiên cứu công lập. Ngoài ra, cần điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ theo hướng bảo đảm quyền lợi thực chất cho các bên tham gia. Việc hình thành các tổ chức trung gian như trung tâm định giá sáng chế, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng sẽ là điểm tựa để thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Cùng với đó là tăng cường kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và khối doanh nghiệp để bảo đảm chuỗi giá trị sáng tạo được phát huy một cách trọn vẹn và bền vững.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ bảo vệ mà còn là chìa khóa để khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã đến lúc doanh nghiệp và nhà khoa học Việt Nam cần coi SHTT là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển, thay vì tiếp tục “lạnh nhạt” với một yếu tố mang tính sống còn trong nền kinh tế tri thức. Chỉ khi từng ý tưởng được bảo vệ đúng mức và khai thác hiệu quả, sở hữu trí tuệ mới thực sự trở thành động lực bền vững cho tăng trưởng quốc gia.
Holiso đang mở đường cho trà thảo mộc Việt vươn ra thế giới, với chiến lược tập trung vào vùng nguyên liệu chuẩn hóa và sản phẩm thân thiện sức khỏe. Đây cũng là hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt trong làn sóng tiêu dùng xanh toàn cầu.