Cụ thể, vốn FDI thực hiện trong nửa đầu năm tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh rõ niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ổn định và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam.
Cùng với đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 30/6, bao gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, đạt 21,52 tỷ USD – tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ. Trong đó có 1.988 dự án đầu tư mới được cấp phép, với tổng vốn đăng ký đạt 9,29 tỷ USD. Dù giảm nhẹ 9,6% về vốn, số lượng dự án lại tăng tới 21,7%, phản ánh xu hướng gia tăng các dự án có quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra, có 826 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng số vốn tăng thêm đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần (M&A) cũng sôi động với 1.708 lượt, tổng giá trị đạt 3,28 tỷ USD, tăng tới 73,6%. Trong đó, riêng phần góp vốn để tăng vốn điều lệ doanh nghiệp chiếm khoảng 1,3 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 1.600 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II, vốn đầu tư đạt khoảng 921,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%.
Trong đó, khu vực nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, với vốn đầu tư thực hiện đạt 445,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1%, chiếm 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Thêm vào đó, khu vực ngoài nhà nước giữ vai trò là trụ cột, chiếm tỷ trọng lớn nhất (54%) với 858,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.
Khu vực FDI cũng đạt mức tăng ấn tượng, với vốn thực hiện đạt 287,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%, chiếm 18% tổng vốn đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả tích cực về dòng vốn đầu tư đạt được nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Việc triển khai hiệu quả các chính sách phục hồi kinh tế và thu hút FDI cũng góp phần tạo nên tâm lý tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc vốn FDI thực hiện và đăng ký đều tăng mạnh trong nửa đầu năm cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến chiến lược của dòng vốn toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, kết quả này không chỉ là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng năm 2025, mà còn là cơ sở để kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh và sản xuất thông minh.
Trong phiên giao dịch sáng nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng nhẫn và vàng miếng, với mức giảm phổ biến từ 400.000 – 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.