Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn giảm 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, hiện được niêm yết ở mức 115,2 – 118,2 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, giá mua vào giảm 600.000 đồng/lượng, giá bán ra giảm 500.000 đồng/lượng, giao dịch trong khoảng 114,2 – 116,9 triệu đồng/lượng. DOJI cũng điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, đưa giá vàng nhẫn về mức 107,8 – 112 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC giảm 400.000 đồng/lượng, hiện niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 113,9 – 116,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp nói trên cũng đồng loạt giảm 400.000 đồng/lượng, phổ biến quanh mức 118,5 – 120,5 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (7/7), Công ty VBĐQ Mi Hồng (TP.HCM) mở cửa phiên giao dịch với động thái điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng đối với giá vàng miếng ở chiều mua vào, đưa mức giá xuống còn 119,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra được giữ nguyên ở mức 120,8 triệu đồng/lượng.
Chiều ngược lại, giá vàng nhẫn tại Mi Hồng lại tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán, hiện dao động trong khoảng 115,3 – 116,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, các thương hiệu vàng lớn khác vẫn chưa có sự điều chỉnh giá so với phiên liền trước. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn được giữ nguyên ở mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng. Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở 114,3 – 116,8 triệu đồng/lượng, còn DOJI giao dịch quanh mức 108,3 – 112,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp này hiện được niêm yết đồng loạt trong khoảng 118,9 – 120,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 3.322 USD/ounce, giảm gần 12 USD so với phiên trước đó. Trước đó, kim loại quý đã ghi nhận mức tăng gần 2% trong tuần, thậm chí có thời điểm chạm mốc 3.365 USD/ounce nhờ những lo ngại gia tăng về bất ổn địa chính trị và tình hình nợ công của Mỹ.
Tuy nhiên, bước sang tuần mới, diễn biến giá vàng trở nên khó lường. Giới phân tích hiện chia thành ba luồng quan điểm: tăng, giảm và đi ngang, cho thấy sự bất định của thị trường trong bối cảnh chịu tác động đồng thời từ đồng USD suy yếu, diễn biến lãi suất và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Ông Adam Button, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com nhận định: “Việc USD đảo chiều sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp cho thấy xu hướng bán tháo đồng bạc xanh vẫn dai dẳng. Nếu đà này tiếp diễn, vàng sẽ được hưởng lợi.”
Ngược lại, ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex cho rằng vàng đang chịu áp lực điều chỉnh sau các dữ liệu kinh tế tích cực: “Dữ liệu việc làm mạnh hơn kỳ vọng và lãi suất tăng đã chặn đà hồi phục của vàng. Việc giá có thể quay lại vùng 3.250 USD/ounce là hợp lý, thậm chí thấp hơn.”
Chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco giữ lập trường trung lập khi cho rằng giá vàng hiện đang củng cố trong vùng dao động hẹp và cần thêm yếu tố hỗ trợ cơ bản mới để có thể bứt phá rõ rệt.
Trong báo cáo Affluent Investor Snapshot (Toàn cảnh Nhà đầu tư giàu có) công bố ngày 1/7, nhóm phân tích hàng hóa của HSBC cho biết, bên cạnh đà mua ổn định từ các ngân hàng trung ương, một lực lượng khác cũng đang âm thầm gia tăng ảnh hưởng trên thị trường vàng – đó là giới đầu tư giàu có toàn cầu.
Đơn vị này cũng đã nâng dự báo giá vàng trung bình năm 2025 lên 3.215 USD/ounce, tăng 200 USD so với mức dự báo trước đó. Dự báo trung bình năm 2026 cũng được nâng lên 3.125 USD/ounce.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 11,72 tỷ USD – cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, bất chấp những thách thức từ kinh tế toàn cầu.