Cạnh tranh gay gắt, nhiều shop nhỏ “đuối sức”
Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, hơn 80.000 shop online rời sàn do ngừng phát sinh đơn hàng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, một con số gây bất ngờ khi doanh thu toàn ngành thương mại điện tử vẫn tăng mạnh, đạt hơn 202.000 tỷ đồng (tăng gần 42% so với cùng kỳ 2024).
“Mỗi tháng tôi lỗ vài triệu đồng chi phí quảng cáo, trong khi đơn hàng không ổn định, có tháng không đủ tiền để nhập hàng mới”, chị Hương, một người bán hàng online mỹ phẩm tại TP.Hà Nội chia sẻ về lý do phải ngưng kinh doanh sau hơn 2 năm theo nghề.
Hàng chục ngàn shop online rời sàn: Cuộc thanh lọc khốc liệt
Trường hợp của chị Hương không phải cá biệt. Khảo sát tại một số cộng đồng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử cho thấy, làn sóng ngừng bán hàng online đang lan rộng trong các nhóm tiểu thương, nhà bán nhỏ. Nguyên nhân chính đến từ chi phí quảng cáo tăng cao, nền tảng thay đổi chính sách hiển thị, cộng thêm mức chiết khấu sàn TMĐT ngày càng lớn.
Theo chị Vân Anh, từng là nhà bán thời trang trên Shopee và TikTok Shop thời gian đầu có thể tiếp cận khách hàng tự nhiên nhờ thuật toán phân phối miễn phí, nhưng hiện nay để sản phẩm hiển thị nhiều, buộc phải chạy quảng cáo mạnh tay. “Không có ngân sách marketing là không bán được hàng”, chị Vân Anh nói.
Thống kê từ Metric.vn cho thấy, chi phí quảng cáo trung bình trên TikTok Shop trong quý II/2025 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ chuyển đổi không tỷ lệ thuận với mức chi, khiến hiệu quả quảng cáo ngày càng giảm sút.
Gian hàng chính hãng vươn lên mạnh mẽ
Bà Nho Đinh, Giám đốc điều hành Metric.vn cho rằng, đây là kết quả của quá trình đào thải tự nhiên, không phản ánh việc sàn TMĐT kém hấp dẫn mà cho thấy thị trường đang nghiêng hẳn về phía các shop online lớn, chuyên nghiệp.
Các shop online nhỏ, thiếu chiến lược, không có nền tảng vận hành bài bản sẽ khó tồn tại. Trong khi đó, các thương hiệu lớn lại tận dụng tốt hơn giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh tăng trưởng nhờ vốn mạnh và hiểu biết sâu về dữ liệu.
Ngoài ra, hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang các gian hàng chính hãng (hay còn gọi là shop mall), đóng góp tới 29% doanh thu trên Shopee và TikTok Shop. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng mới đang ưu tiên uy tín và sự bảo chứng từ thương hiệu.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 80.000 shop online rời sàn. Ảnh minh họa.
Trong khi các shop nhỏ rút lui, các shop mall lại ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. TikTok Shop nổi bật khi tăng doanh thu đến 69%, nâng thị phần từ 29% lên 39% chỉ trong 6 tháng.
Shopee vẫn dẫn đầu thị phần với 58%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong khi đó, Lazada và Tiki chứng kiến sự hụt hơi rõ rệt, lần lượt giảm doanh thu tới 48% và 63%.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng, Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương khẳng định, các gian hàng chính hãng được người tiêu dùng đánh giá cao, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt vẫn phát sinh đơn hàng, thậm chí còn tăng trưởng. Ngược lại, các gian hàng không đảm bảo chất lượng hoặc chưa tìm được hướng đi hay chiến lược kinh doanh theo quy luật sẽ khó cạnh tranh và phải đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường.
Ông Hoàng Ninh cho biết thêm, để hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử vốn có sự cạnh tranh gay gắt, Cục TMĐT&KTS đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ bao gồm: khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý như đề xuất xây dựng Luật TMĐT; trình ban hành Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030 nhằm tăng cường minh bạch hóa thông tin, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan; đồng thời tạo điều kiện để tăng cường giám sát các nền tảng sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số bán lẻ trong giai đoạn tới.
Theo số liệu của batdongsan.com.vn, trong quý II/2025, loại hình chung cư tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường khi ghi nhận tỷ trọng mức độ quan tâm lên tới 29%, vượt qua đất nền (28%) và nhà riêng (22%).