Nhà đầu tư cần bảo toàn lợi nhuận và xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu
Thị trường chứng khoán có tuần thứ 6 liên tiếp tăng điểm, nối dài mạch tăng giá mạnh mẽ từ vùng giá 1.300 điểm. Trong tuần thị trường liên tục có diễn biến rung lắc mạnh kiểm tra hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm. Kết tuần giao dịch 21/7 - 25/7, VN-Index tăng 2,26% lên mức 1.531,13 điểm, tiệm cận giá cao nhất lịch sử tháng 1/2022. VN30 tăng ít hơn 1,55% lên mức 1.669,33 điểm, tiếp tục tăng tốc khi vượt lên giá cao nhất lịch sử tháng 11/2021.
Độ rộng thị trường tích cực, mức độ phân hóa cao khi dòng tiền có xu hướng gia tăng vào các nhóm vốn hóa trung bình, nhỏ, các mã có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh ở nhóm chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thủy sản, phân bón, hóa chất. Chịu áp lực điều chỉnh ở nhóm bán lẻ, tăng nhẹ ở các mã thép, bảo hiểm, dệt may, dầu khí...
Thanh khoản thị trường tăng, duy trì ở mức rất cao trên 35.000 tỷ đồng/phiên khi VN-Index hướng đến vùng đỉnh cũ. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 9,7% so với tuần trước, trung bình hơn 1,35 tỷ cổ phiếu/phiên. Khối ngoại bán ròng với giá trị -1.601,8 tỷ đồng trên HOSE trong tuần này.
Kết tuần giao dịch 21/7 - 25/7, VN-Index tăng 2,26% lên mức 1.531,13 điểm
Sắc xanh bao trùm với 19/21 nhóm ngành tăng điểm: Hàng không (+9.,63%), Chứng khoán (+8,91%) và Phân bón (+5,58%) là ba nhóm ngành ghi dấu ấn với mức tăng mạnh nhất tuần. Ở chiều ngược lại, chỉ có Bất động sản (-1,97%) và Thực phẩm tiêu dùng (-0,60%) là hai nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tuần qua.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) đánh giá, xét từ mức đáy VN-Index thiết lập trong tháng 4 (9/4) đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có mức tăng rất ấn tượng (+43%) trong khoảng thời gian hơn 3 tháng mà chưa có một nhịp chỉnh đáng chú ý nào. Xem xét lại dữ liệu trong quá khứ gần đây, từ lúc thị trường tạo đáy trong tháng 3/2020 đến 2024 thì các nhịp phục hồi ấn tượng có mức tăng trung bình (43% - 45%) sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh nhẹ (7% -15%) sau đó mới quay lại xu hướng tăng mạnh tiếp. Lịch sử có thể lặp lại, nhưng không hoàn toàn giống hệt nhau.
“Khi VN-index đã có một mức tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua, và tiệm cận với các mốc thống kê thì nhà đầu tư cần bắt đầu nghĩ đến việc bảo toàn lợi nhuận và xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu, tăng dần tỷ trọng tiền mặt và tránh việc fomo mua đuổi. Nhà đầu tư nên thận trọng ở thời điểm tại và duy trì tỷ lệ tiền mặt cao hơn cổ phiếu”, chuyên gia của CSI nêu quan điểm.
VN-Index có thể hình thành đỉnh mới
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), sau các phiên giằng co, VN-Index tiếp tục mở rộng đà tăng trong phiên cuối tuần. Xét theo điểm số, mức đóng cửa của chỉ số đã tiệm cận đỉnh lịch sử hình thành vào tháng 1/2022 (1.535 +/-). Khối lượng giao dịch đạt mức 1,4 tỷ đơn vị, duy trì trên mức bình quân 20 phiên và tiếp tục thể hiện tâm lý lạc quan của lực cầu trong ngắn hạn.
Xung lực tăng giá của thị trường vẫn đang được thể hiện một cách ấn tượng, do vậy, VN-Index có thể hình thành đỉnh mới vào đầu tuần sau. Tuy nhiên, rung lắc mạnh vẫn sẽ xuất hiện do áp lực từ cung chốt lời ngày càng lớn đi cùng với hiệu ứng quá mua tại các chỉ báo như RSI. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số là khu vực 1.520 +/-.
“Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc canh chốt lời từng phần, đặc biệt với các cổ phiếu đang kéo tăng liên tục và tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trên đồ thị kỹ thuật. Trong khi đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao chỉ nên gia tăng tỷ trọng từng phần tại các nhịp biến động, điều chỉnh. Nhà đầu tư nên ưu tiên tìm cơ hội vẫn là những nhóm ngành dẫn dắt dòng tiền và có chính sách hoặc câu chuyện hỗ trợ, ví dụ Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản,…”, chuyên gia của ASEANSC khuyến nghị.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.536 điểm nhờ sự hỗ trợ luân phiên của nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo giữ quanh vùng đỉnh cũ này trong phiên hôm nay 28/7 nhưng diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu và vẫn có các nhịp rung lắc mạnh đan xen trong phiên. Mặc dù đà tăng của thị trường vẫn đang được duy trì nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến rủi ro thị trường có thể xuất hiện các phiên biến động rung rũ mạnh khi tiếp cận vùng đỉnh quanh 1.536 điểm.
Việc không có nhiều thông tin hỗ trợ mới ở giai đoạn cuối tháng 7 khi mùa công bố KQKD quý II đi vào giai đoạn thoái trào, đồng thời các ẩn số thông tin từ kết quả đàm phán thuế quan của các quốc gia, quyết định lãi suất của Fed và kỳ cơ cấu của các quỹ ETF có thể tạo ra các biến động khó lường trong giai đoạn cuối tháng 7 đầu tháng 8.
“Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái nắm giữ và tiếp tục nâng dần các ngưỡng trailing stop để bảo vệ thành quả cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục hoặc có thể cân nhắc tiếp tục bán chốt lời từng phần để nâng dần vị thế tiền mặt khi VN-Index tiếp cận hoặc vượt đỉnh 1.536 điểm”, chuyên gia của BVSC lưu ý.
Sau 25 năm chính thức đi vào vận hành và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục vươn lên tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo.