Chứng khoán Việt Nam vươn mình sau 25 năm: Nâng hạng và huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp

28/07/2025, 10:21
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài là hết sức đáng kể. Dù vậy, thị trường vẫn chưa được đánh giá đúng về tiềm năng và vị thế.
Chứng khoán Việt Nam vươn mình sau 25 năm: Nâng hạng và huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp
Ảnh minh hoạ.

Hơn một thập kỷ “nhắc đến” - mục tiêu nâng hạng đã đến rất gần

Từ quyết tâm chính sách, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được cả hệ thống chuyển hóa thành chiến lược, đường lối chặt chẽ, dựa trên ba trụ cột chính: thứ nhất là cải cách về thể chế; Cải cách về hạ tầng kỹ thuật; thứ ba là chủ động trong việc trao đổi, kết nối với các tổ chức xếp hạng của thị trường.

Theo đó, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối nghiên cứu Dragon Capital tin tưởng rằng, việc nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell sẽ đạt được vào tháng 9 tới. Thậm chí, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI trong vòng 18 - 24 tháng tiếp theo. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đang có chất xúc tác quan trọng là nhiều doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch IPO trong giai đoạn 2026 - 2027.

Bà Nguyễn Hoài Thu - Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho rằng, chúng ta đã ở khá gần với quyết định nâng hạng từ FTSE Russell. Vấn đề còn lại là FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang giao dịch tại Việt Nam. Nếu các nhà đầu tư thấy không còn trở ngại gì lớn cho việc giao dịch, nhất là đối với việc không cần ký quỹ tiền mặt trước khi mua chứng khoán, TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Chuyên gia VinaCapital còn cho rằng, việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch khoảng 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, có tính ổn định cao, vào thị trường.

Qua nghiên cứu các thị trường khác trong khu vực châu Á, Dragon nhận thấy, trong những giai đoạn mà các quốc gia này đang có mức tăng trưởng GDP hai con số và có mức đầu tư trên GDP ở tầm 30 - 40 % , tương đương với kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam tại thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán chính là kênh tài sản hấp dẫn nhất, có hiệu suất đầu tư cao nhất, có thể lên 5 - 10 lần, thậm chí cao nhất tới 12 lần.

Khi thị trường chứng khoán của các quốc gia đó phát triển, mức định giá của họ cũng đạt tới những ngưỡng rất cao, từ 25 lần cho đến thậm chí 50 lần, được hỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 25 - 30%.

Bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay, Việt Nam đạt được thoả thuận thuế quan với Mỹ đã loại bỏ rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam tại thời điểm hiện tại, qua đó, mở đường cho tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới và 10 năm tiếp theo.

Tầm nhìn của Dragon Capital đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành sóng quốc gia hiện đại, đột phá về tư duy và được hỗ trợ bởi hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận, nhất quán cao.

“Khi nền kinh tế cất cánh, chứng khoán sẽ là kênh tài sản có hiệu suất đầu tư cao nhất”, bà Minh nói.

Chứng khoán Việt Nam vươn mình sau 25 năm, nâng hạng và huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp - Ảnh 1.png

Trong 5 năm qua, thực tế thị trường Việt Nam đã tăng trưởng gần 70%, nếu nhà đầu tư thông qua các cái quỹ đầu tư chuyên nghiệp thì thậm chí có thể đạt được các cái hiệu suất đầu tư cao hơn.

Điển hình như quỹ DCDS của Dragon Capital được thành lập vào năm 2004 đã trải qua ba chu kỳ kinh tế rất là lớn của thị trường Việt Nam cũng như là thị trường quốc tế, mà đã đạt được hiệu suất tăng gấp 12 lần kể từ khi ra đời.

Như vậy, chứng khoán Việt Nam là một kênh đầu tư hết sức hiệu quả, nhưng hiện tại vẫn đang bị đánh giá chưa đúng với tiềm năng và vị thế vốn có.

Từ thực tế đó, cần thảo luận về đòn bẩy chính sách cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới. Nghị quyết 68 là một bước đi rất rõ ràng trong việc trao quyền và tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân, để các doanh nghiệp có thể phát triển, bứt phá và tạo ra nền tảng cho tăng trưởng GDP hai con số. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các doanh nghiệp tư nhân cần những nguồn vốn dài hạn, ổn định, và bớt lệ thuộc vào kênh ngân hàng.

Thị trường chứng khoán sẽ là công cụ hiệu quả nhất để khơi thông dòng vốn này. So với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030, quy mô thị trường chứng khoán cần đạt 120% GDP, trong khi hiện nay chỉ đang ở mức khoảng 50–55%. Điều này có nghĩa là trong vòng 5 năm tới, quy mô thị trường cần phải tăng gấp đôi so với hiện tại. Và để đạt được mục tiêu đó, vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu cần được cải thiện.

Có hai yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là việc nâng hạng thị trường lên nhóm thị trường mới nổi - đã có một kế hoạch hành động chiến lược rất rõ ràng. Thứ hai, Việt Nam cần đạt được xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức investment grade. Chỉ khi đồng thời đạt được cả hai yếu tố này, Việt Nam mới có thể thu hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới. Qua đó, thị trường chứng khoán sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu để khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành lực lượng dẫn dắt mà Nghị quyết 68 đề ra.

Chứng khoán Việt Nam vươn mình sau 25 năm, nâng hạng và huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp - Ảnh 2.png

Một thực tế hiện nay là định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp. Vì P/E thấp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phải chịu mức chi phí vốn cao hơn so với tiềm năng thật sự của họ. Trong khi để huy động vốn hiệu quả, doanh nghiệp cần có mức định giá phù hợp, phản ánh đúng và đầy đủ tiềm năng phát triển dài hạn.

Vì vậy, mong của Dragon Capital không phải là Việt Nam cứ mãi tăng trưởng cao mà P/E thấp, mà là tiến gần hơn đến những thị trường như Ấn Độ. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng EPS của Ấn Độ chỉ ở mức một con số, nhưng thị trường của họ vẫn đang giao dịch ở mức P/E từ 20–25 lần. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp tại Ấn Độ đang huy động vốn với chi phí hết sức hiệu quả.

Để thị trường bền vững và hiệu quả: Đa dạng hoá cấu trúc nhà đầu tư

Ý kiến của nhiều chuyên gia đồng thuận, là để thị trường phát triển bền vững và hiệu quả, cần phát triển theo cả 2 hướng: vừa thu hút nhà đầu tư tổ chức lớn, toàn cầu, dài hạn, vừa chuyển hoá nhận thức “lướt sóng” sang đầu tư dài hạn của nhà đầu tư cá nhân.

Với các nhà đầu tư tổ chức lớn toàn cầu, có 3 điểm then chốt cần giải quyết để thu hút nguồn vốn quy mô lớn hơn. (1) Nâng hạng thị trường - đây là điều kiện tiên quyết; (2) Sau khi nâng hạng, room ngoại là vấn đề tiếp cận cho các nhà đầu tư, làm thế nào để họ có hàng hóa để mua, để họ có thể vào thị trường Việt Nam một cách đơn giản và thuận tiện nhất; (3) Thị trường cần các sản phẩm mới cũng như là các doanh nghiệp mới được niêm yết như IPO.

Cụ thể hơn, khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, hiện nay thực trạng vẫn khá hạn chế do trần sở hữu 49% ở nhiều ngành. Nhiều doanh nghiệp tốt đã kín room cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu họ muốn bơm vốn vào thị trường Việt Nam, cũng gặp không ít khó khăn. Việc tiếp tục tìm giải pháp nới thêm room cho khối ngoại nhằm tăng khả năng tiếp cận và sức hấp dẫn của thị trường đối với dòng vốn ngoại là rất cần thiết, và thực tế là một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.

Ngoài ra, để thị trường có thể thu hút các quỹ đầu tư quy mô lớn, cần có độ sâu. Độ sâu bao gồm: Một hệ thống sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng đầu tư khác nhau; chất lượng doanh nghiệp niêm yết được cải thiện về minh bạch và công bố thông tin; quy mô doanh nghiệp lớn hơn, có điểm đột phá về tăng trưởng để hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, cần chuẩn hóa thông tin phát hành, đảm bảo minh bạch và khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư dài hạn.

Về phía nhà đầu tư trong nước, phần lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn mang tâm lý lướt sóng, và thường gọi là “chơi chứng khoán” thay vì “đầu tư chứng khoán” với tư duy tích sản dài hạn, định kỳ.

Có thể thấy nhà đầu tư cá nhân hiện đang nhìn nhận chứng khoán tương tự các kênh như tiết kiệm, vàng, bất động sản, với tầm nhìn ngắn hạn. Tư duy đầu tư vẫn thiên về việc “timing the market”, tức cố gắng chọn điểm mua, điểm bán hoàn hảo, thay vì “time in the market”, tức là duy trì đầu tư lâu dài theo thói quen và tầm nhìn dài hạn.

Trong đó, về phía cung, làm sao để dịch chuyển nhà đầu tư từ ngắn hạn sang dài hạn? Điều này đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ hưu trí tự nguyện và các quỹ đầu tư dài hạn. Muốn tạo được nguồn cung như vậy, cần có các giải pháp và cơ chế cụ thể để các quỹ này gia tăng sự hiện diện và đóng góp của họ trên thị trường.

Về phía cầu, làm thế nào để nhà đầu tư cá nhân cảm thấy họ muốn bỏ tiền vào đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán? Thực tế ở nhiều doanh nghiệp lớn (hầu hết là trong VN30) và đề cập đến việc phát triển quỹ hưu trí, tích sản dài hạn, thì vẫn gặp rào cản rất lớn, là ngưỡng tâm lý. Vì vậy, cần có các chính sách ưu đãi thuế đối với sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, đồng thời phải đầu tư vào giáo dục tài chính để hình thành niềm tin bền vững vào thị trường chứng khoán dài hạn.

Một số vấn đề tồn tại trên thị trường hiện nay rất đáng lưu ý, đó là thanh khoản trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu VN30, trong khi phần lớn các mã còn lại chưa đạt ngưỡng thanh khoản tối thiểu (1 triệu USD/phiên) để đáp ứng yêu cầu của các quỹ lớn.

Cơ cấu ngành niêm yết trên thị trường hiện còn mất cân đối khi nhóm ngân hàng và bất động sản đang chiếm hơn 50% vốn hóa toàn thị trường. Trong khi các ngành có tiềm năng tăng trưởng bền vững như công nghệ, y tế, năng lượng tái tạo lại chiếm tỷ trọng rất thấp.

Điều này khiến cho các dòng vốn lớn khó đa dạng hóa danh mục, hạn chế sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư chiến lược.

Về tiêu chuẩn minh bạch và quản trị doanh nghiệp cần được cải thiện. Hiện chỉ khoảng 26% doanh nghiệp niêm yết có báo cáo liên quan đến ESG và chỉ số quản trị doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp khi so sánh với các thị trường cùng nhóm hoặc đang chuẩn bị nâng hạng.

Hạ tầng thị trường cũng là một nút thắt, đặc biệt là mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) vẫn đang trong quá trình triển khai. Mô hình CCP là chuẩn mực quốc tế trong giao dịch chứng khoán, được áp dụng ở hầu hết các TTCK trên thế giới.

Theo chuyên gia VinaCapital, việc triển khai mô hình này sẽ giúp nâng cao khả năng tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn coi trọng tiêu chuẩn vận hành cao và yêu cầu đồng bộ hóa về quy trình giao dịch giữa các thị trường mà họ tham gia đầu tư cũng như hạn chế tối đa rủi ro phát sinh khi giao dịch.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.536 điểm nhờ sự hỗ trợ luân phiên của nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo giữ quanh vùng đỉnh cũ này trong phiên hôm nay 28/7 nhưng diễn biến thị trường sẽ có phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu và vẫn có các nhịp rung lắc mạnh đan xen.