Quyết liệt cho mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%

28/07/2025, 10:38
Nhiều giải pháp đã và sẽ tiếp tục được thực hiện để thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Tất cả là để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm nay.
Quyết liệt cho mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%
Việt Nam có nền tảng vững chắc để ứng phó với các thách thức và duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh

Vững vàng trong gian khó

Đã có những dự báo trái chiều về kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025, khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Standard Chartered đều hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Cụ thể, trong báo cáo mới nhất được đưa ra hôm 23/7, ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 6,3% trong năm nay và 6% trong năm tới. Trong khi đó, Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,1% trong năm nay.

Những dự báo trên trái ngược so với các dự báo trước đó của nhiều định chế tài chính quốc tế khác. Cụ thể, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 từ 6% lên 6,9%; CitiGroup nâng từ 6,6% lên 7%; Maybank nâng lên 7,3%. Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu của BIDV nâng dự báo cả năm 2025 lên 7,5-7,7% (kịch bản cơ sở) và 7,8-8,1% (kịch bản tích cực)…

Sự trái chiều trong dự báo cho thấy, yếu tố bất định còn lớn và khó khăn của nền kinh tế cũng còn nhiều. Và một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính sách thuế quan của Mỹ, dự kiến chính thức áp dụng từ ngày 1/8 tới.

Bộ Tài chính, trong báo cáo gần đây gửi Chính phủ, cũng nhấn mạnh, chính sách thuế đối ứng của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như điện tử, dệt may, đồ gỗ, và thủy sản…, tạo áp lực lên tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, việc làm và an sinh xã hội.

“Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 1%, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng khoảng 0,08%; nếu giá xăng dầu trong nước tăng 10%, thì ảnh hưởng đến tăng trưởng khoảng 0,5%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Dù cho rằng, các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể “tiếp tục bị ảnh hưởng từ việc leo thang căng thẳng thương mại và thuế quan của Mỹ”, song ADB vẫn nhấn mạnh về sự “vững vàng” trong năm 2025 và 2026 của kinh tế Việt Nam, tuy tăng trưởng có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ thuế quan.

Trong khi đó, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế cấp cao phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, một số chỉ số kinh tế có thể chững lại trong ngắn hạn, nhưng Standard Chartered tin rằng, Việt Nam “có nền tảng vững chắc” để ứng phó với các thách thức và duy trì đà tăng trưởng.

Thực tế, chính vì niềm tin vào sự vững vàng và khả năng ứng khó với khó khăn của nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chọn kịch bản tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm nay và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Câu chuyện còn lại là, làm sao để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao này, làm nền tảng cho tăng trưởng 2 con số trong năm tới?

Trông vào các động lực truyền thống

Để nền kinh tế có thể tăng tốc, phát triển, các động lực tăng trưởng mới là quan trọng và cần thiết. Song trong khi vẫn cần phải có thêm thời gian để các động lực này phát huy hiệu quả, thì để tăng trưởng GDP có thể đạt 8,3-8,5% trong năm nay, trước mắt vẫn phải dựa vào 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Khi xây dựng kịch bản kinh tế năm 2025, với mức phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 8,3-8,5%, Bộ Tài chính cho biết, các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm bao gồm tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên.

Như vậy, cùng với việc thúc đẩy đầu tư - được xác định là động lực chủ yếu, có nhiều dư địa, tiềm năng đẩy mạnh hơn nữa, thì cũng cần khai thác các cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu.

Các giải pháp này đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là “mục tiêu bất khả thi” và “không thể không làm”, Thủ tướng chỉ đạo, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, huy động đầu tư toàn xã hội, kích cầu tiêu dùng và thực hiện tốt việc đàm phán thuế quan với Mỹ để thúc đẩy xuất khẩu…

Có yếu tố thuận lợi là nửa cuối năm sẽ vào mùa tiêu dùng cả trong nước và xuất khẩu, là cơ hội để thúc đẩy 2 động lực tiêu dùng và xuất khẩu. Bởi thế, nhiều giải pháp sẽ được thực thi để 2 động lực này đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh động lực đầu tư.

Chẳng hạn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch để thu hút khách quốc tế; bố trí ngân sách nhà nước và giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các trường hợp đã có quyết định nghỉ việc; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm ngay từ quý III, tận dụng tối đa mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm…

Bên cạnh tận dụng các thị trường xuất khẩu, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa cần được kích hoạt trở lại mạnh mẽ, thông qua các biện pháp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, như tăng lương, giảm thuế và các gói kích cầu tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm giãn, hoãn, miễn giảm thuế… nhằm kích cầu tiêu dùng. Việc giảm thuế VAT 2% là một ví dụ. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, công tác chi trả tiền hỗ trợ cho cán bộ, công chức trong việc sắp xếp bộ máy đang được đẩy mạnh. Việc này cũng được coi là sẽ hỗ trợ tích cực cho việc kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một điều quan trọng, theo ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, bất chấp những rủi ro gia tăng từ sự bất ổn về thuế quan, các cải cách trong nước, nếu được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, có thể giảm thiểu những rủi ro này bằng các yếu tố trong nước được củng cố. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Theo số liệu của batdongsan.com.vn, trong quý II/2025, loại hình chung cư tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường khi ghi nhận tỷ trọng mức độ quan tâm lên tới 29%, vượt qua đất nền (28%) và nhà riêng (22%).