Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khẳng định: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là ba đột phá chiến lược, trong đó giáo dục là nền tảng và trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò then chốt. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục – đặc biệt là giáo dục phổ thông – đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi.
Từ lớp học truyền thống đến giáo dục cá nhân hóa
Tiến sĩ Lê Công Lương, Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), nhận định: giáo dục phổ thông hiện nay vẫn nặng tính truyền đạt một chiều, chưa phát huy tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Ông cho rằng AI chính là động lực đổi mới toàn diện giáo dục khi có thể hỗ trợ giáo viên giảm tải công việc hành chính, đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời giúp học sinh học tập theo năng lực và phát triển kỹ năng tự học – tự nghiên cứu.
Thực tế giảng dạy cũng đang chứng minh điều đó. Giảng viên Vũ Hải Nam (Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho rằng AI là nhân tố không thể thiếu trong việc đổi mới giáo dục phổ thông. Ứng dụng AI vào các môn khoa học xã hội như Địa lý, Lịch sử... giúp bài giảng sinh động hơn, cá nhân hóa nội dung học tập, đáp ứng yêu cầu đánh giá theo năng lực và tăng khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. "AI không chỉ hỗ trợ học sinh mà còn nâng cao tư duy phản biện, năng lực số và khả năng nghiên cứu – những năng lực cốt lõi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", thầy Nam khẳng định.
Đổi mới sáng tạo từ lớp học – những ví dụ sống động
Cô giáo Bế Thị Trúc Linh (Trường THCS Thực nghiệm Victory) chia sẻ một ví dụ cụ thể về việc kết hợp công nghệ với nghệ thuật trong dạy học. Cô đã sử dụng ChatGPT để sáng tác thơ và phần mềm AISongGenerator để phổ nhạc, tạo thành bài hát tóm lược kiến thức lịch sử lớp 7 – cuộc kháng chiến chống quân Tống thời Lý – giúp học sinh tiếp thu bài học một cách hứng thú và dễ ghi nhớ hơn.
Từ các mô hình đổi mới trong giảng dạy, có thể thấy AI không chỉ giúp nâng cao hiệu quả học tập mà còn tạo ra môi trường học tập đa chiều, sáng tạo. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng đặt ra thách thức: thiếu hạ tầng công nghệ, năng lực số còn hạn chế, thiếu khung hướng dẫn và dễ dẫn tới lệ thuộc công nghệ nếu không kiểm soát tốt chất lượng học tập.
Thầy cô vẫn là trung tâm truyền cảm hứng
AI có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế vai trò của người thầy trong việc truyền cảm hứng, định hướng tư duy và giáo dục nhân cách cho học sinh. Trong thời đại số, chỉ với một thiết bị thông minh, người học có thể tiếp cận kho tri thức khổng lồ, nhưng nếu thiếu định hướng, học sinh dễ sa vào thói quen học “chạy deadline”, phụ thuộc vào AI mà không thực sự hiểu bản chất vấn đề.
Để AI trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong giáo dục phổ thông, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành khung hướng dẫn ứng dụng AI trong chương trình giáo dục. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái giáo dục số an toàn, bảo đảm quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh là yêu cầu cấp thiết.
Hướng đến nền giáo dục số nhân văn
Theo đó, ngành giáo dục cần đầu tư phát triển các nền tảng AI chuyên biệt cho khoa học xã hội – có khả năng mô phỏng tình huống, trực quan hóa kiến thức lịch sử, phân tích xã hội – nhằm hỗ trợ học sinh hiểu sâu và tư duy phản biện. Cùng với đó là các công cụ phát hiện đạo văn, giúp kiểm soát việc lạm dụng AI trong học tập.
Việc khuyến khích mô hình thí điểm sáng tạo, tăng cường kết nối giữa giáo viên – chuyên gia – nhà nghiên cứu sẽ góp phần lan tỏa các cách làm hiệu quả, đưa công cuộc chuyển đổi số giáo dục phổ thông từ khẩu hiệu thành hành động cụ thể và bền vững.
Trong khi chuyển đổi số mở ra cánh cửa tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, thì rủi ro về an ninh mạng cũng ngày càng trở nên phức tạp. Theo các chuyên gia, chỉ một chiến lược bảo mật toàn diện, bền vững mới đủ sức bảo vệ doanh nghiệp trước những đòn tấn công tinh vi trong thời đại số.