Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam đang khẩn trương triển khai cơ chế chính sách nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia chất lượng cao tham gia các chương trình, nhiệm vụ khoa học – công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, ngày 22-6, Bộ đã chính thức ban hành Quyết định số 1412/QĐ-BKHCN phê duyệt “Kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia các chương trình, nhiệm vụ khoa học-công nghệ trọng điểm quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Đây là động thái thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng hệ sinh thái AI toàn diện, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Hướng tới một hệ sinh thái AI nhân văn và tự chủ
Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu cốt lõi của kế hoạch là xây dựng nền tảng vững chắc để AI trở thành động lực chiến lược cho tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa quản trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức cạnh tranh quốc gia.
Kế hoạch được thiết kế với nhiều nhiệm vụ trọng điểm, trải dài từ hoạch định chính sách, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cho đến đào tạo nhân lực AI. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia AI; tham vấn xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp công nghệ số; đề xuất và tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và khung pháp lý về AI.
Nhiều nhiệm vụ cụ thể, “đặt hàng” đến tận phòng thí nghiệm
Bên cạnh chính sách, kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như phát triển các mô hình AI “Make in Vietnam” trong các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu. Một trong những dự án trọng điểm là xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt với tối thiểu 100 tỷ tham số, có khả năng xử lý văn bản trong các lĩnh vực như pháp luật, tài chính, nông nghiệp, văn hóa…
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng giao nhiệm vụ phát triển nền tảng dữ liệu sinh học quốc gia tích hợp AI, phục vụ nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học; đồng thời phát triển các công nghệ chiến lược như Trợ lý ảo, bản sao số, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Kế hoạch cũng bao gồm hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho giảng viên, chuyên gia, kỹ sư AI – hướng đến mục tiêu khắc phục điểm nghẽn lớn nhất hiện nay: thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.
Tăng tốc để không bỏ lỡ “cuộc đua” AI toàn cầu
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang định hình lại trật tự công nghệ toàn cầu, việc Việt Nam chủ động tạo dựng một chương trình bài bản để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực chuyên gia là bước đi chiến lược mang tính dài hạn.
Không chỉ là giải pháp ứng phó với thực trạng thiếu hụt nhân lực AI – vốn đang là vấn đề nóng ở cả trong nước và quốc tế – kế hoạch còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam “gọi vốn chất xám” toàn cầu, qua đó tiếp cận tri thức tiên tiến, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đồng thời từng bước xây dựng vị thế độc lập về công nghệ.