Tín dụng ngân hàng tăng 9,9% so với cuối năm 2024

08/07/2025, 12:44
Sáng 8-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Tín dụng ngân hàng tăng 9,9% so với cuối năm 2024
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: HOÀNG GIÁP

6 tháng đầu năm 2025, ngành ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng); chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng)…

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh HOÀNG GIÁP.jpg

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: HOÀNG GIÁP

Phát biểu tại họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay; sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.

“Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tính đến ngày 30-6-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó: Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường; phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát…

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.