Theo thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại buổi họp báo sáng ngày 8/7/2025, đến hết ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt mức 17,2 triệu tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 9,9% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng mạnh khoảng 19,4%, trong đó dòng vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh.
NHNN cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 được đặt ở mức khoảng 16%, và sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay gắn với việc đảm bảo an toàn hệ thống. Đặc biệt, tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay.
Theo NHNN, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 5 tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ nền tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 2,57% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 11,27% so với cuối năm 2023).
Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 4,07% so với cuối năm 2024, chiếm 0,64% dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tín dụng đối với DNNVV 5 tháng đầu năm tăng 5,71% so với cuối năm 2024, chiếm 17,51% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,15% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 10,69% so với cuối năm 2023). Tín dụng dành cho xuất khẩu (không bao gồm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp) cũng ghi nhận mức tăng 2,91% so với cuối năm 2024, chiếm 2,06% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trước đó, cùng kỳ năm 2024, tín dụng xuất khẩu còn giảm 0,89%; tuy nhiên cả năm 2024 đã ghi nhận mức tăng 8,42% so với năm trước.
Đến cuối tháng 5, tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,24% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 9,67% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 24,72% so với cuối năm 2023). Tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59% so với cuối năm 2024, chiếm 0,43% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 18,16% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 34,2% so với cuối năm 2023).
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết, mức tăng trưởng tín dụng gần 10% trong 6 tháng là mức tăng trưởng rất cao, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2024, hệ thống đã đưa ra nền kinh tế lượng tiền rất lớn.
Vốn tín dụng được ví như "mạch máu" của nền kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% trong năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng hai chữ số trong các năm tiếp theo, dòng vốn tín dụng đóng vai trò then chốt trong việc khơi thông các động lực phát triển. Tuy nhiên, trước đà tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vẫn thận trọng và chủ động theo dõi sát diễn biến lạm phát. Ông cũng cho biết, mục tiêu lạm phát năm nay khoảng 4,5%, cao hơn so với năm 2024. NHNN có thể điều chỉnh dư địa tín dụng nếu lạm phát được kiểm soát, tín dụng lành mạnh chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, nợ xấu được kiểm soát,...
Liên quan đến việc bỏ room tín dụng – một chỉ đạo quan trọng từ Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao tính thị trường và hiệu quả điều hành, ông Quang cho biết, trong quá khứ, khi nền kinh tế trải qua giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, có thời điểm tăng trưởng tín dụng lên tới 54%, NHNN đã áp dụng room tín dụng như một công cụ hành chính nhằm kiểm soát rủi ro, giữ ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, không có giải pháp nào vĩnh viễn và NHNN nhận thấy đây là giải pháp hành chính cần thay đổi. Thời gian qua, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng đối với ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện nay, room tín dụng chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước, đánh dấu bước chuyển trong lộ trình từng bước xóa bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng.
Ông Phạm Chí Quang nhận định, hệ thống tín dụng hiện vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Do đó, để tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn room tín dụng, NHNN sẽ thiết kế lộ trình và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng tính tự chủ và linh hoạt cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay.
Hà Nội khẳng định hộ kinh doanh dùng hóa đơn điện tử không bị truy thu thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50% và báo điều chỉnh kịp thời.