Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ

07/07/2025, 11:55
Ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025. Đây là động thái kịp thời nhằm củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh môi trường quốc tế tiềm ẩn nhiều bất định.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ
Ảnh minh hoạ.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và sự đồng lòng của hệ thống chính trị và doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt tối thiểu 8% và tạo đà bứt phá cho những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các công cụ vĩ mô khác. Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế và nâng cao sức chống chịu của hệ thống tài chính – tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đơn giản hóa thủ tục tín dụng và thúc đẩy chuyển đổi số. Tín dụng phải được định hướng rõ vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được đặt ở mức 16%, đồng thời hướng đến loại bỏ công cụ phân bổ hạn ngạch từ năm 2026, chuyển sang cơ chế điều hành theo thị trường.

Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát chặt thị trường ngoại hối, duy trì ổn định giá trị đồng Việt Nam, chủ động phản ứng với chính sách điều chỉnh từ các ngân hàng trung ương lớn như FED. Song song đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý quản lý thị trường vàng và đẩy mạnh các chương trình tín dụng chiến lược như nhà ở xã hội, hạ tầng công nghệ, lúa gạo phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính được giao điều hành chính sách mở rộng có trọng tâm, kết hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ. Nhiệm vụ trọng yếu là mở rộng cơ sở thu, hiện đại hóa quản lý thuế, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử và tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực cho an sinh xã hội và giáo dục vùng khó khăn. Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, bảo đảm không để xảy ra gián đoạn ngân sách hay chậm trễ trong chi trả chính sách.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng công trình, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, né tránh trách nhiệm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, thúc đẩy cơ chế thử nghiệm thị trường tài sản mã hóa và chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ khi đối mặt với chính sách thuế đối ứng từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ.

Một nội dung trọng tâm khác được Thủ tướng yêu cầu là tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xây dựng kịch bản cho 6 tháng cuối năm. Các bộ, ngành, địa phương phải làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi. Mỗi nhiệm vụ cần được phân công rõ ràng theo nguyên tắc “6 rõ” – rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm. Thời hạn hoàn thành sơ kết trước ngày 15/7/2025.

Việc triển khai hiệu quả Công điện 104/CĐ-TTg không chỉ giúp duy trì ổn định vĩ mô trong ngắn hạn mà còn góp phần củng cố niềm tin thị trường, khẳng định năng lực điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển động nhanh và khó lường.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tích cực khi dòng tiền thông minh tiếp tục dẫn dắt các nhóm ngành chủ lực, đưa chỉ số VN-Index tiến gần vùng kháng cự mạnh 1.390–1.400 điểm. Thanh khoản cải thiện, khối ngoại mua ròng và sự lan tỏa đồng đều của dòng tiền đang mở ra kỳ vọng cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững hơn trong nửa cuối năm 2025.