Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng nhẫn tại nhiều doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Cụ thể, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 115,8 – 118,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); PNJ là 114,8 – 117,3 triệu đồng/lượng; SJC: 114,3 – 116,8 triệu đồng/lượng; DOJI: 108,5 – 112,7 triệu đồng/lượng; trong khi đó, Mi Hồng (TP.HCM) duy trì mức giá 115,3 – 116,8 triệu đồng/lượng.
Ở chiều vàng miếng, giá cũng được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/lượng tại nhiều doanh nghiệp lớn so với phiên trước. Tại Bảo Tín Minh Châu, SJC, PNJ và DOJI, giá vàng miếng hiện phổ biến ở mức 118,9 – 120,9 triệu đồng/lượng. Riêng tại Mi Hồng, giá vàng miếng đang được niêm yết cao hơn, dao động trong khoảng 119,7 – 120,7 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện dao động quanh mức 3.346 USD/ounce, giảm gần 11 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Theo các chuyên gia kinh tế đến từ Kitco News, mặc dù vàng vẫn trụ vững trên mốc 3.300 USD, nhưng đang gặp khó khăn trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới, do tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trước mặt bằng giá cao hiện nay.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Robert Minter – Giám đốc chiến lược ETF – nhận định rằng dù giá vàng đang đi ngang, nhưng khả năng xảy ra một đợt suy yếu mạnh là rất thấp, đặc biệt trong bối cảnh nợ công của Mỹ tiếp tục tăng mất kiểm soát.
Ông cho biết, chỉ trong tuần trước, nợ công của Mỹ đã vượt ngưỡng 37.000 tỷ USD, đánh dấu một kỷ lục mới. Dù quy mô nợ của Mỹ đang thu hút sự chú ý, ông Minter nhấn mạnh rằng Mỹ không đơn độc, vì châu Âu cũng đã gia tăng chi tiêu mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
“Tôi đã xem lại số liệu từ năm 1993 và thấy rằng tổng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng khoảng 900% và đó cũng là mức tăng tương ứng của giá vàng trong cùng giai đoạn,” ông nói. “Nếu Mỹ tăng nợ lên 900%, thì châu Âu cũng buộc phải làm điều tương tự, nếu không sẽ xảy ra biến động lớn về tỷ giá, ảnh hưởng đến thương mại và nền kinh tế.”
Ông Robert Minter cho biết, hiện nay các quốc gia trên thế giới đều đang chi tiêu vượt mức thu ngân sách với tốc độ tương tự nhau, khiến áp lực mất giá tiền tệ không thể hiện ngay lập tức, nhưng điều này lại được phản ánh rõ nét qua diễn biến giá vàng – khi kim loại quý liên tục neo ở mức cao kỷ lục so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt.
“Vàng là đồng tiền duy nhất không phải là khoản nợ của ai khác. Mức giá trên 3.000 USD/ounce là hoàn toàn hợp lý khi nhìn vào quy mô nợ toàn cầu,” ông nói. “Khả năng vàng giảm mạnh xuống dưới 3.000 USD là rất thấp.”
Ông cũng dự báo rằng trong bối cảnh bất ổn kéo dài, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tích trữ vàng, mặc dù tốc độ mua vào có thể chậm hơn so với giai đoạn ba năm vừa qua.
Dù vẫn lạc quan về dài hạn, , ông Robert Minter cũng đưa ra cảnh báo rằng các rủi ro ngắn hạn đang ngày càng gia tăng. Ông cho biết, hiện tại tâm lý bi quan về kinh tế toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, và nếu tâm lý thị trường bất ngờ chuyển biến tích cực, vai trò trú ẩn an toàn của vàng có thể tạm thời suy yếu.
Tuy nhiên, ông cho rằng mọi đợt điều chỉnh ngắn hạn sẽ là cơ hội mua vào, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ có thể thay đổi trong thời gian tới. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm các tín hiệu có thể kích hoạt làn sóng tăng giá mới trước khi năm 2025 kết thúc.
Dù Fed vẫn tỏ ra thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất, ông Minter tin rằng điều này chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông chỉ ra rằng, hiện lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ đang ở mức khoảng 3,78%, thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất điều hành hiện tại của Fed.
“Đợt tăng giá tiếp theo của vàng sẽ đến từ nhu cầu đầu tư truyền thống khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Minter nhận định.
Từ ngày 01/07/2025 đến hết năm 2026, thuế suất giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% cho nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản sẽ không được hưởng chính sách này.