Căng thẳng thương mại EU – Trung Quốc leo thang: Bắc Kinh đáp trả lệnh cấm của Brussels

07/07/2025, 12:04
Ngày 6/7, Bộ Tài chính Trung Quốc chính thức công bố loạt biện pháp hạn chế đối với các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế có giá trị lớn từ Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn.
Căng thẳng thương mại EU – Trung Quốc leo thang: Bắc Kinh đáp trả lệnh cấm của Brussels
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Trung Quốc sẽ loại trừ các doanh nghiệp châu Âu khỏi các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của Chính phủ nếu giá trị hợp đồng vượt quá 45 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 6,3 triệu USD). Quy định có hiệu lực ngay lập tức và chỉ miễn trừ cho các công ty có vốn đầu tư châu Âu nhưng đăng ký hoạt động tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ hạn chế nhập khẩu các thiết bị y tế mà tỷ lệ linh kiện có xuất xứ từ EU chiếm trên 50% giá trị hợp đồng.

Biện pháp đáp trả động thái “rào cản” từ EU

Động thái của Bắc Kinh được cho là nhằm trả đũa lệnh cấm tương tự từ phía EU hồi cuối tháng 6. Cụ thể, ngày 20/6, Ủy ban châu Âu thông báo cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu những hợp đồng mua sắm thiết bị y tế công của EU có giá trị từ 5 triệu euro trở lên (khoảng 5,8 triệu USD). EU lý giải rằng doanh nghiệp châu Âu không được tiếp cận công bằng thị trường mua sắm công tại Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên EU kích hoạt Công cụ mua sắm quốc tế (IPI) – cơ chế pháp lý có hiệu lực từ năm 2022 nhằm đảm bảo nguyên tắc có đi có lại trong lĩnh vực mua sắm công. Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 90% các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế ở Trung Quốc có dấu hiệu loại trừ hoặc phân biệt đối xử với doanh nghiệp EU.

Trong tuyên bố ngày 6/7, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: “Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ thiện chí đối thoại để giải quyết bất đồng, nhưng phía EU vẫn liên tục áp đặt các biện pháp hạn chế. Do đó, Trung Quốc buộc phải đưa ra phản ứng tương xứng”.

Không chỉ dừng lại ở ngành y tế, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU còn đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như ô tô điện, đường sắt, pin mặt trời, tuabin gió và gần đây là rượu mạnh.

Ngày 4/7, Bắc Kinh cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh (brandy) từ châu Âu – đặc biệt là các sản phẩm rượu cognac nhập từ Pháp – nếu các doanh nghiệp không điều chỉnh mức giá bán. Mức thuế dự kiến từ 27,7% đến 34,9% sẽ áp dụng trong vòng 5 năm, căn cứ vào kết quả điều tra kéo dài hơn một năm, cho thấy có hành vi bán phá giá các sản phẩm rượu EU đóng chai dưới 200 lít nhập vào Trung Quốc trong giai đoạn từ 1/10/2022 đến 30/9/2023.

Trung Quốc tuyên bố biện pháp này là phản ứng trước việc EU khởi động điều tra chống trợ cấp đối với ngành xe điện Trung Quốc – lĩnh vực chiến lược được Bắc Kinh đặc biệt ưu tiên phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới và hy vọng giảm căng thẳng

Những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa EU và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương vào cuối tháng 7 tại Trung Quốc. Giới quan sát kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để hai nền kinh tế lớn tháo gỡ phần nào căng thẳng, tránh nguy cơ đẩy quan hệ thương mại song phương vào vòng xoáy đối đầu kéo dài.

Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa và doanh nghiệp EU không chỉ phản ánh căng thẳng thương mại leo thang, mà còn cho thấy xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ giữa các nền kinh tế lớn. Với các lĩnh vực chiến lược như y tế, năng lượng tái tạo và công nghệ cao đều bị cuốn vào vòng tranh chấp, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu là điều không thể xem nhẹ.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Trong phiên giao dịch sáng nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng nhẫn và vàng miếng, với mức giảm phổ biến từ 400.000 – 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.