Cẩn trọng với rủi ro nợ xấu khi tín dụng tăng

08/07/2025, 12:04
Lạc quan và kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng, triển vọng lợi nhuận, song các ngân hàng vẫn luôn quan tâm đến việc kiểm soát nợ xấu.
Cẩn trọng với rủi ro nợ xấu khi tín dụng tăng
Thời gian qua, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp ảnh: d.minh

Tín dụng tăng

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là khoảng 16%. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2024 - là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Theo lãnh đạo NHNN, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37% dư nợ tín dụng; ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%; các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn. Cụ thể, nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,16%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%.

Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Giới phân tích tài chính nhận định, đây là mức tăng tín dụng đáng kể nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay. Nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Theo ông Phạm Thanh Hà, để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời, sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng của ngân hàng, kiểm soát rủi ro về nợ xấu.

Cẩn trọng rủi ro nợ xấu

Kết quả điều tra của NHNN vừa đưa ra cho thấy, các tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có chiều hướng giảm nhẹ trong quý II và kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý III/2025 - trái ngược với nhận định “tăng” của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nợ xấu “giảm” trong quý II/2025 (20,9%) thấp hơn kỳ vọng tại cuộc điều tra trước (23,2%).

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống tính đến cuối năm 2025 so với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Rủi ro tổng thể từ các nhóm khách hàng được đánh giá tăng nhẹ, song tổ chức tín dụng cho rằng, đến cuối năm 2025, mức độ rủi ro sẽ giảm nhẹ so với cuối năm 2024, thể hiện sự kỳ vọng vào hiệu quả giám sát, chất lượng cho vay.

Theo đánh giá của VIS Rating, chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể kiểm soát được nhờ vào sự cải thiện dòng tiền của khách hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn có thể phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, chủ yếu liên quan đến các khách hàng lớn và các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản.

Những ngân hàng trên vẫn đang gặp một số khó khăn, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với các vấn đề pháp lý và nhu cầu thấp đối với một số dự án mới. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với chi phí tín dụng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa các ngân hàng để giành thị phần tín dụng.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, trong bối cảnh nhu cầu vốn của khách hàng cải thiện trong nửa đầu năm nay và khả năng tiếp tục cải thiện nửa cuối năm, thì không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% mà ngành ngân hàng đưa ra trong năm nay. Tuy nhiên, khi thị trường vốn chưa đủ mạnh, thì nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nguy cơ hình thành bong bóng giá. Đồng thời, khi tín dụng tăng, thì vấn đề cần quan tâm chính là rủi ro nợ xấu đi lên.

Tại nghị trường Quốc hội gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối năm 2024. Việc tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế. Tỷ lệ này liên tục tăng trong những năm qua, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thường cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP.

Một nền kinh tế có quy mô dư nợ tín dụng ngày càng vượt xa so với tổng giá trị sản phẩm có thể tạo ra mỗi năm đồng nghĩa với gánh nặng nợ của các hộ gia đình/doanh nghiệp trong quốc gia đó đang tăng lên. Khi đó, trước áp lực trả lãi và nợ vay ngày càng gia tăng, các thực thể trong nền kinh tế buộc phải giảm tiêu dùng và đầu tư, khả năng vay vốn dần bị hạn chế, tất yếu ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng kinh tế.

Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc NHNN cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, cần lưu ý việc cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, thời gian phân kỳ, dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.