Phát biểu với báo giới trên chuyên cơ Air Force One khi tới bang New Jersey, Tổng thống Trump cho biết mức thuế được công bố trong thư sẽ dao động từ 10%, 20% đến 60% hoặc 70%. Tuy nhiên, ông từ chối nêu cụ thể danh sách các quốc gia sẽ nhận được thư và cho biết thông tin sẽ được công bố chính thức vào ngày 7/7.
“Chúng (các mức thuế quan) sẽ dao động về giá trị từ 60% hoặc 70% đến 10% và 20%, nhưng chúng (những lá thư) sẽ bắt đầu được gửi đi vào ngày mai", Tổng thống Trump nói với các phóng viên.”
Trước đó, vào ngày 3/7, Tổng thống Trump từng dự kiến thư sẽ được gửi đi vào dịp Quốc khánh Mỹ 4/7, song kế hoạch đã được lùi lại một ngày vì lý do kỹ thuật.
Các mức thuế đối ứng – được công bố từ tháng 4/2025 với ngưỡng từ 11% đến 50% – đã được tạm ngừng áp dụng trong vòng 90 ngày để tạo điều kiện đàm phán. Tuy nhiên, thời hạn tạm hoãn sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Trong khi đó, ông Trump cảnh báo, mức thuế mới – thậm chí có thể lên tới 70% – sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 nếu không đạt được các thỏa thuận phù hợp.
EU và Nhật Bản gặp khó khăn, Anh đạt thỏa thuận ưu đãi
Cho đến nay, trong số các đối tác lớn, mới chỉ có Anh đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Theo đó, London được giữ mức thuế cơ sở 10% và được hưởng ưu đãi cho một số lĩnh vực chủ chốt như ô tô và động cơ máy bay.
Ngược lại, đàm phán với Ấn Độ không đạt được kết quả. Trong khi đó, các cuộc thương lượng với Liên minh châu Âu (EU) vẫn bế tắc. Giới chức EU thừa nhận chưa có tiến triển đáng kể và đang cân nhắc phương án kéo dài nguyên trạng để tránh bị áp thuế cao hơn.
Ban đầu, Tổng thống Trump và các trợ lý hàng đầu của ông tuyên bố họ sẽ khởi động đàm phán với nhiều quốc gia về thuế quan, nhưng ông chủ Nhà Trắng sau đó đã không còn mặn mà với quá trình này sau nhiều lần thảo luận thất bại với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Cũng trong tuần này, Mỹ đã cảnh báo áp thuế 17% đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu từ châu Âu – bao gồm các mặt hàng phổ biến như sô cô la Bỉ, bơ Kerrygold (Ireland) và dầu ô liu từ Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Mặc dù EU "ủng hộ giải pháp đàm phán", nhưng đã chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại tiềm ẩn với các mức thuế trả đũa, theo tờ The Guardian.
Các nguồn tin từ Financial Times cũng cho biết, Ủy viên thương mại EU Maroš Šefčovič đã được phía Mỹ thông báo trước về khả năng áp thuế trong cuộc họp với các quan chức cấp cao của Washington ngày 3/7.
Chiến lược gây sức ép, định hình lại thương mại toàn cầu
Theo giới quan sát, động thái gửi thư thuế quan là một phần trong chiến lược thương mại cứng rắn mà Tổng thống Trump theo đuổi nhằm buộc các quốc gia phải nhượng bộ trong đàm phán. Tuy EU khẳng định vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận chính trị ở cấp cao, nhưng sự kiên quyết của Washington trong các yêu sách thuế quan cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột thương mại toàn diện đang ngày một rõ ràng.
Việc Mỹ chuẩn bị gửi thư áp thuế đến hàng loạt đối tác thương mại đánh dấu bước leo thang mới trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Với hạn chót đàm phán 9/7 đang cận kề, giới phân tích nhận định tình hình thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng nếu không có đột phá từ các bên trong những ngày tới.
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng mạnh trước kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn ở mức cao bất chấp việc OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu.