Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Bước đi chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển đổi xanh
Văn phòng Chính phủ mối ban hành Thông báo số 316/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp rà soát tiến độ các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh việc phát triển các nguồn năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế-xã hội ở mức hai con số trong thời gian tới, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước yêu cầu cấp bách nói trên, từ cuối năm 2024, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rõ ràng, quyết liệt về việc tái khởi động hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì hai cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, giao 13 nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến nay đã có 6/13 nhiệm vụ được hoàn thành (chiếm 47%), 5 nhiệm vụ đang được triển khai (38%) và 2 nhiệm vụ chưa thực hiện (15%). Tuy nhiên, tiến độ đàm phán với các đối tác quốc tế – đặc biệt là phía Nhật Bản trong dự án Ninh Thuận 2 – vẫn còn chậm, gây nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030 (hoặc chậm nhất là 31/12/2031) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh rằng việc phát triển điện hạt nhân không chỉ là giải pháp tăng cường năng lực cung ứng điện quốc gia, mà còn là một phần trong chiến lược chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26.
Tuy nhiên, lĩnh vực điện hạt nhân vẫn còn là mới đối với Việt Nam, đòi hỏi phải học tập kinh nghiệm quốc tế, cập nhật công nghệ tiên tiến, xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân quốc gia, đồng thời hoàn tất kế hoạch triển khai Nghị quyết 189/2025/QH15 – văn bản quy định cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ các dự án điện hạt nhân.
Đặc biệt, Bộ Công Thương được giao thành lập Đoàn đàm phán hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, khẩn trương hoàn tất đàm phán với Liên bang Nga trong tháng 7/2025 để tiến tới ký kết Hiệp định liên Chính phủ vào tháng 8/2025. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng làm việc với Nhật Bản về khả năng tái khởi động dự án Ninh Thuận 2.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn trong phạm vi thẩm quyền. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đặc biệt là các quy định về khoảng cách an toàn giữa nhà máy điện hạt nhân và khu dân cư. Dự luật này sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ Tài chính được giao chủ trì việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương để tỉnh Ninh Thuận triển khai di dân, tái định cư, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức liên quan trong đàm phán hiệp định tín dụng cho dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng, bảo đảm công tác tái định cư diễn ra đúng nguyên tắc "tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ", tránh phát sinh tiêu cực, khiếu kiện.
EVN và PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác chuẩn bị kỹ thuật, đàm phán với đối tác và thực hiện các giải pháp bảo đảm sinh kế cho người dân tại khu vực dự án.
Thông báo số 316/TB-VPCP không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ mà còn là minh chứng cho chiến lược phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam. Việc tái khởi động thành công các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong hành trình xây dựng hệ thống năng lượng sạch, hiện đại và bền vững, góp phần nâng cao vị thế quốc gia và đảm bảo sự phát triển ổn định trong kỷ nguyên năng lượng mới.
Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2025/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.