Theo đó, Điều 1 của Thông tư 39/2024/TT-NHNN được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn về thẩm quyền quyết định kiểm soát đặc biệt; thời hạn, gia hạn và chấm dứt kiểm soát đặc biệt; nguyên tắc ghi giảm vốn điều lệ đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt… đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, thông tư cũng làm rõ cơ cấu tổ chức, số lượng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt cùng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện.
Một nội dung mới đáng chú ý là việc bổ sung Điều 7a quy định rõ về trình tự, thủ tục ghi giảm vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo phương án chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phương án chuyển giao được phê duyệt, ngân hàng phải xác định và gửi Ban kiểm soát đặc biệt báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, tính từ kỳ báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất đến cuối tháng liền trước thời điểm chuyển giao.
Trong vòng 20 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm tổng hợp, xác định kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng). Nếu tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế vượt quá 100% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất, Ban kiểm soát đặc biệt sẽ đề xuất ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ để bù lỗ. Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định ghi giảm vốn điều lệ trong Quyết định chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, Thông tư số 07 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 10 về nhân sự Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt. Theo quy định mới, Trưởng Ban có thể là lãnh đạo cấp phòng hoặc chức danh tương đương trở lên tại Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng hoặc Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đặt trụ sở tại địa phương, Trưởng Ban cũng có thể là Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, giám sát hoặc lãnh đạo cấp phòng tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính.
Những điều chỉnh trong Thông tư 07/2025/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo kỷ luật thị trường và an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng đã giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng cho chương trình phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, với cam kết tiếp tục đồng hành, cung ứng đủ vốn trong giai đoạn tiếp theo của Đề án.