Luật áp dụng đối với tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và những bên có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới về công bố chất lượng, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo minh bạch trong hoạt động quảng cáo.
Luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Một trong những điểm nổi bật của luật sửa đổi là việc bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi gian dối, sai lệch trong hoạt động quảng cáo và công bố chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, luật quy định cấm thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có tính chất gây nhầm lẫn, gian lận về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng bị cấm kinh doanh sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đã công bố hoặc không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đặc biệt, các hành vi gian dối diễn ra trên môi trường thương mại điện tử và nền tảng số cũng được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Ngoài ra, luật nghiêm cấm che giấu thông tin liên quan đến mức độ rủi ro của sản phẩm – những yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người, an toàn của động vật, thực vật, tài sản hoặc môi trường.
Luật sửa đổi lần này cũng đưa ra hướng tiếp cận mới trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chuyển từ phương thức quản lý theo nguy cơ mất an toàn sang mô hình phân loại dựa trên mức độ rủi ro – phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro không chỉ giúp tăng hiệu quả giám sát, mà còn góp phần tối ưu hóa nguồn lực quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, luật bổ sung các nguyên tắc quản lý chất lượng hàng hóa, trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Về phía người tiêu dùng, luật được kỳ vọng sẽ là “lá chắn” pháp lý hữu hiệu, giúp họ tránh khỏi các rủi ro từ hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc bị thổi phồng về công dụng.
Việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là bước tiến quan trọng trong công cuộc bảo vệ người tiêu dùng, chống gian lận thương mại và tăng cường minh bạch thị trường. Luật không chỉ siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn định hướng lại cách thức quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng USD ghi nhận đà phục hồi so với hầu hết các đồng tiền mạnh thuộc nhóm G10 trong phiên giao dịch ngày 3/7, trong bối cảnh các nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước báo cáo việc làm tháng Sáu và kỳ vọng gia tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD cũng được điều chỉnh tăng.