Đằng sau những cơn bão, thiệt hại mà những người nuôi trồng thủy sản phải gánh chịu vô cùng lớn, không thể lường trước.
Với nghề nuôi trồng thủy sản, nếu được chuẩn bị kỹ từ sớm, từ xa, thì những thiệt hại trong bão và hoàn lưu sau bão có thể giảm tới mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người nuôi trồng thủy sản vẫn chưa thích ứng với thiên tai.
Phần lớn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển tại Quảng Ninh bị thiệt hại là những lồng bè theo kiểu thủ công truyền thống, nguyên liệu chủ yếu là tre luồng, gỗ, nhựa, phao xốp nổi có sức chống chịu bão rất kém. Những hệ thống lồng bè hiện đại, được sử dụng chất liệu HDPE đạt chuẩn có thể chịu đựng sức gió bão lên đến cấp 12 chưa được dùng nhiều do mức đầu tư cao hơn nhiều so với lồng bè truyền thống.
Tôm không chết vì bão, mà do mất điện kéo dài luôn xảy ra, sau bão Yagi, hơn 100 tấn tôm (khoảng 19 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Thủy sản Tân An (phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) buộc phải chế biến làm thức ăn cho cá là một thí dụ điển hình. Trong nuôi tôm công nghiệp, duy trì và khôi phục hệ thống điện để vận hành hệ thống quạt khí oxy ngay sau bão chính là yếu tố sống còn. Những đầm nuôi tôm trị giá hàng chục tỷ đồng bị mất trắng sau bão, hàng trăm tấn tôm sắp đến kỳ khai thác phải chế biến khẩn cấp làm thức ăn cho cá, kèm theo rất nhiều chi phí xử lý môi trường ô nhiễm, là những bài học đắt giá.
Đối với nuôi trồng thủy sản vùng nội đồng, thiệt hại do bão chủ yếu đến từ mưa lớn gây ngập úng, dòng nước sông, suối chảy mạnh khiến lồng bè bị cuốn trôi. Vì vậy, vấn đề chằng giữ, gia cố lồng bè, giảm mật độ nuôi thủy sản cần được đặc biệt chú trọng. Với những ao đầm nuôi nội đồng cần hạ thấp mực nước để tránh mưa lớn nước tràn; khơi thông các dòng chảy, bảo đảm tốc độ tiêu úng nhanh chóng. Vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản sau bão cũng hoàn toàn có thể được chủ động từ sớm, bằng việc chuẩn bị sẵn vôi bột, thuốc kháng sinh, các chế phẩm sinh học giúp làm sạch môi trường, ổn định độ pH trong ao đầm, thuốc bổ để tăng cường sức khỏe thủy sản…
Bên cạnh đó, “bán tỉa” thủy sản trước bão cũng giúp giảm thiệt hại. Theo ghi nhận của phóng viên, khi bão Yagi xảy ra, rất nhiều thủy sản đã đạt đến kích cỡ thương phẩm, thậm chí quá kích cỡ, song chưa được bán vì thời điểm trước bão giá chưa tốt như kỳ vọng. Người nuôi tiếc muốn giữ lại để dành tới vụ thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Do vậy, thiệt hại càng nặng nề. Trong số lồng bè bị vỡ, bị bão gió cuốn trôi ra biển, có hàng chục nghìn con cá song nặng khoảng 4-5 kg với thời gian nuôi nhiều năm, giá trị lên đến cả triệu đồng/con. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, những thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm nên được thu hoạch nhanh, bán sớm để chốt lãi trước thiên tai.
Khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai, bão lũ đang có chiều hướng tăng cả về số lượng và cường độ. Chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan chính là yếu tố quan trọng để người nuôi trồng thủy sản “đứng vững” trước bão lớn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 113/CĐ-TTg về thực hiện các giải pháp phát triển hiệu quả vận tải đường thủy thúc đẩy phát triển logistics trong lĩnh vực vận tải.