Giá dầu thế giới
Theo Reuters, giá dầu Brent đã tăng 1,72 USD, tương đương 2,5%, lên mức 70,36 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 1,88 USD, tương đương 2,8%, lên 68,45 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 2,2%.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trong tình trạng thắt chặt hơn so với những gì thể hiện trên bề mặt, với nhu cầu được thúc đẩy bởi giai đoạn cao điểm lọc dầu vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất điện.
Theo Reuters, hợp đồng Brent giao tháng 9 hiện đang cao hơn khoảng 1,20 USD so với hợp đồng tháng 10 - một tín hiệu cho thấy nhu cầu ngắn hạn tăng mạnh.
“Thị trường đang bắt đầu nhận ra rằng nguồn cung đang trở nên khan hiếm”, Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.
Trong khi đó, dữ liệu từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy, số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục giảm tuần thứ 11 liên tiếp - chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ tháng 7-2020, thời điểm nhu cầu sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, IEA vẫn nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung trong năm 2025 và hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu, điều này cho thấy khả năng thị trường có thể chuyển sang trạng thái dư thừa nguồn cung trong trung hạn.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 2,2%. Ảnh minh họa: Business Port Nigeria
Theo các chuyên gia phân tích tại Commerzbank: “OPEC+ sẽ có thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng và đáng kể. Điều này dẫn đến nguy cơ dư cung. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá dầu vẫn được hỗ trợ”.
Để hỗ trợ thêm cho triển vọng giá dầu trong ngắn hạn, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ điều chỉnh để bù đắp phần sản lượng vượt hạn ngạch theo cam kết với OPEC+ trong giai đoạn tháng 8-9.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu tăng là thông tin Saudi Arabia dự kiến xuất khẩu khoảng 51 triệu thùng dầu sang Trung Quốc trong tháng 8 - khối lượng lớn nhất trong hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, về dài hạn, OPEC đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn 2026-2029 do đà chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, theo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới 2025 công bố.
Trước đó, giá dầu đã giảm hơn 2% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan mới - động thái làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-7, cụ thể như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.659 đồng/lít.
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 20.090 đồng/lít.
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.837 đồng/lít.
- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.371 đồng/lít.
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.563 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều 10-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 214 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 184 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 429 đồng/lít; dầu hỏa tăng 239 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 244 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: Căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đỏ; thông tin về chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ đối với hàng hóa của các đối tác thương mại; tồn kho dầu thô của Mỹ tăng; xung đột quân sự Nga - Ukraine... Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
Giá cà phê trong nước hôm nay giảm mạnh, trong khi giá hồ tiêu giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó