Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (9/7), giá vàng miếng tại Công ty VBĐQ Mi Hồng được điều chỉnh tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 119,3 – 121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), trong khi chiều mua vào được giữ nguyên. Giá vàng nhẫn tại Mi Hồng cũng duy trì ở vùng cao, dao động từ 115,3 – 116,8 triệu đồng/lượng.
Tại các doanh nghiệp khác, giá vàng hiện chưa có nhiều thay đổi. Cụ thể, Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn ở mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng; SJC giữ mức 114,4 – 116,9 triệu đồng/lượng; PNJ giao dịch trong khoảng 114,7 – 117,3 triệu đồng/lượng. Riêng DOJI tiếp tục duy trì giá thấp hơn đáng kể, ở mức 108,4 – 112,5 triệu đồng/lượng. Đối với vàng miếng, phần lớn các thương hiệu lớn đều giữ giá ổn định trong khoảng 119 – 121 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ở ngưỡng 3.303 USD/ounce, giảm 28 USD so với cùng thời điểm khảo sát sáng hôm qua theo giờ Việt Nam.
Theo Kitco News, giá vàng thế giới đã giảm trong phiên giao dịch giữa trưa ngày thứ Ba (giờ Mỹ), trong bối cảnh thanh khoản thị trường mùa hè suy yếu và hoạt động bán tháo từ các nhà đầu tư ngắn hạn gia tăng mạnh mẽ.
Tâm lý thị trường trở nên ảm đạm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời lên kế hoạch áp mức thuế từ 25% đến 40% đối với nhiều quốc gia khác.
Thông tin này đã đẩy đồng USD tăng nhẹ, tạo áp lực giảm lên giá vàng. Dù vậy, theo giới phân tích, đây chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật mang tính ngắn hạn. Trong dài hạn, nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng của vàng.
Bên cạnh các yếu tố mang tính ngắn hạn, hoạt động mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn là nền tảng quan trọng hỗ trợ giá vàng.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới, trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua thêm 2 tấn vàng, đánh dấu tháng thứ tám liên tiếp gia tăng dự trữ. Tổng lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ hiện đã lên tới 2.299 tấn.
Mặc dù tốc độ mua vào có phần chậm hơn so với giai đoạn cuối năm 2024, các chuyên gia nhận định xu hướng tích trữ này vẫn sẽ tiếp diễn, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những bất ổn chính sách, sự thiếu đồng thuận trong phối hợp toàn cầu và áp lực lạm phát kéo dài.
“Ngân hàng trung ương không mua vàng để chờ khủng hoảng; họ đang đa dạng hóa danh mục để ứng phó với hiện thực mới. Vàng đang dần lấy lại vai trò như một dạng bảo vệ thầm lặng,” bà Eugenia Mykuliak, CEO của B2PRIME Group, nhận định.
Bà Joy Yang, Giám đốc sản phẩm tại MarketVector Indexes, cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại kéo dài dưới thời ông Trump đang khiến nhiều nước tìm cách giảm phụ thuộc vào USD.
“Không có đồng tiền nào thay thế hoàn toàn USD, nhưng các quốc gia vẫn đang giảm tiếp xúc với nó. Vàng là lựa chọn thay thế duy nhất còn lại,” bà nói.
Theo báo cáo Gold Focus của Metals Focus, các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể mua vào tới 1.000 tấn vàng trong năm 2025, năm thứ tư liên tiếp giữ mức mua ròng ở quy mô này, chiếm khoảng 21% tổng cầu vàng toàn cầu, so với chỉ 10% cách đây 15 năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 50% lên đồng và hàng hóa từ Brazil từ 1/8/2025, đe dọa bùng phát chiến tranh thương mại. Song song đó, Mỹ mở rộng áp thuế với nhiều quốc gia, trong khi gấp rút đàm phán với EU để tránh leo thang căng thẳng.