Theo hãng tin Reuters, giá dầu Brent đã tăng thêm 57 cent, tương đương 0,8%, lên mức 70,15 USD/thùng – cao nhất kể từ cuối tháng 6. Trong khi đó, dầu thô WTI cũng tăng 40 cent (0,6%), đạt 68,33 USD/thùng.
Động lực chính thúc đẩy đà tăng đến từ báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2025 sẽ thấp hơn so với các ước tính trước đó. Nguyên nhân là do giá dầu yếu trong thời gian qua khiến nhiều nhà khai thác trong nước thu hẹp quy mô đầu tư và sản xuất.
Thị trường dầu mỏ cũng chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đỏ, nơi một vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tàu cao tốc nhằm vào tàu chở hàng Eternity C đã khiến ba thủy thủ thiệt mạng ngoài khơi Yemen. Đây là vụ việc nghiêm trọng thứ hai trong ngày, khiến nhiều tàu chở dầu và hàng hóa năng lượng buộc phải đổi lộ trình, kéo theo chi phí vận chuyển tăng vọt và gây áp lực lên giá nhiên liệu toàn cầu.
Cùng lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 50% đối với mặt hàng đồng – kim loại thiết yếu trong các ngành công nghiệp như quốc phòng, xe điện và năng lượng tái tạo. Tuyên bố này đã đẩy giá đồng lên mức kỷ lục mới, gây ra những xáo trộn đáng kể trên thị trường nguyên liệu đầu vào.
Ngoài các yếu tố vĩ mô, giới phân tích còn ghi nhận sự xuất hiện của các hoạt động “che đậy vị thế bán khống” mang tính kỹ thuật, đặc biệt sau khi giá dầu Brent vượt ngưỡng 70 USD – mức kháng cự tâm lý quan trọng. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận lọc dầu tăng cao, nhờ giá xăng và dầu diesel tại Mỹ liên tục đi lên trong thời gian gần đây, cũng góp phần hỗ trợ thị trường.
Công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates đánh giá: “Dù thị trường tồn tại nhiều yếu tố bất lợi, điểm sáng lớn nhất là sự phục hồi ổn định của giá dầu”.
Dù xu hướng tăng đang chiếm ưu thế, thị trường vẫn đối mặt với một số áp lực lớn. Cụ thể, chính sách thuế thương mại mới của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Đồng thời, OPEC+ cũng đang lên kế hoạch nâng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày kể từ tháng 8, khiến nguồn cung có thể dư thừa trở lại.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ theo dõi sát báo cáo về lượng tồn kho dầu thô tại Mỹ. Theo dự báo, kho dự trữ đã giảm khoảng 2,1 triệu thùng – nếu được xác nhận, đây sẽ là tuần thứ 6 trong 7 tuần gần nhất nước Mỹ ghi nhận lượng dầu tồn kho sụt giảm.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vẫn giữ ổn định sau kỳ điều chỉnh từ ngày 3/7 của Liên Bộ Công Thương – Tài chính. Cụ thể:
- Xăng E5 RON92: không cao hơn 19.445 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 19.906 đồng/lít;
- Dầu diesel: không cao hơn 18.408 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 18.132 đồng/lít;
- Dầu mazut: không cao hơn 15.807 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành vừa qua, liên Bộ không trích lập cũng như không sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỳ điều hành này bao gồm: dự trữ dầu thô tăng nhẹ, giá dầu thế giới biến động do động thái của OPEC+ và các bất ổn tại Trung Đông.
Diễn biến tăng giá của thị trường dầu thế giới trong những ngày đầu tháng 7 cho thấy thị trường năng lượng vẫn chịu tác động mạnh từ địa chính trị, sản lượng cung ứng và các chính sách thương mại. Trong nước, giá xăng dầu hiện vẫn đang được giữ ổn định, song xu hướng giá quốc tế tiếp tục tăng sẽ tạo áp lực cho kỳ điều chỉnh sắp tới.
Giá vàng hôm nay đã phục hồi mạnh mẽ sau một phiên giảm sâu, được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng.