Mở cánh cửa vào thế giới số
Khởi nghiệp số cho người khuyết tật là một bước đi cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết 57 về ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng trên hết, chương trình mở ra cánh cửa cơ hội cho hàng triệu người khuyết tật tại Việt Nam tiếp cận bình đẳng với môi trường làm việc hiện đại và công nghệ số.
Với người khuyết tật, tiếp cận kinh tế số không đơn thuần là học thêm một kỹ năng hay có thêm một lựa chọn nghề nghiệp. Đó là hành trình khẳng định giá trị bản thân trong một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa. Không bị giới hạn bởi không gian vật lý hay rào cản di chuyển, môi trường số trở thành “đất lành” để người khuyết tật học nghề, làm nghề và tự chủ sinh kế.
Ông Bùi Huy Hoàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khẳng định việc bổ sung người khuyết tật vào mạng lưới thụ hưởng của kinh tế số không chỉ mang lại giá trị xã hội bền vững, mà còn tạo ra động lực cho xã hội trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong môi trường hiện đại ngày nay.
Theo ông Hoàng, nền tảng công nghệ, hệ sinh thái thương mại điện tử và các chương trình đào tạo góp phần kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu sau cùng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng mới mà còn giúp người khuyết tật có thêm động lực và ý chí để khởi nghiệp.
"Kinh tế số là mảnh đất màu mỡ để người khuyết tật tham gia bình đẳng nếu được hướng dẫn đúng cách. Chương trình không chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ năng số, mà sẽ tạo kết nối giữa người học và doanh nghiệp, giữa người khuyết tật và thị trường, từ đó mở ra con đường khởi nghiệp người khuyết tật một cách thực chất. Người khuyết tật có góc nhìn riêng, trải nghiệm riêng. Nếu được hỗ trợ, họ hoàn toàn có thể tạo ra giá trị khác biệt, đóng góp làm phong phú thêm hệ sinh thái nội dung và thương mại điện tử Việt Nam,” ông Hoàng nói.
Muốn được làm việc và được công nhận
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng phần lớn chưa từng được học nghề hay tiếp cận công nghệ. Đối với họ, việc làm không chỉ là sinh kế mà còn là cơ hội để được công nhận, được khẳng định bản thân trong xã hội hiện đại.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, chia sẻ thẳng thắn, chúng tôi không mong được thương hại. "Chúng tôi muốn được trao quyền, được đóng góp, được sống có ích. Có một nghề, có một sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc đời, đó là khát vọng của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam”, ông Thành khẳng định.
Người khuyết tật tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với rào cản trong học nghề, tìm việc và khởi nghiệp. Ảnh: PV
Theo ông Thành, chương trình sẽ không dừng lại ở đào tạo kỹ năng, mà sẽ triển khai xuyên suốt các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp số: từ tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp, tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ… cho đến truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và tôn vinh những mô hình khởi nghiệp của những người khuyết tật tiêu biểu trong cộng đồng.
Ông Thành kỳ vọng chương trình sẽ trở thành cầu nối thực chất giữa khát vọng và hiện thực, giữa chính sách và cuộc sống; từng bước hình thành cộng đồng người khuyết tật chủ động, tự chủ, hòa nhập sâu vào kinh tế số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ để sớm đạt được thỏa thuận cụ thể về thuế quan