Doanh nhân Lê Tiến Thịnh: Người thắp lửa hồi sinh thương hiệu “vàng xanh” Đà Lạt

02/06/2025, 09:51
Bằng trái tim nhiệt huyết và khát khao cống hiến, doanh nhân Lê Tiến Thịnh đã dốc sức hồi sinh và nâng tầm thương hiệu, khẳng định giá trị cây atiso - “vàng xanh” của vùng đất Đà Lạt, đưa dược liệu Việt Nam vươn xa, tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
Doanh nhân Lê Tiến Thịnh: Người thắp lửa hồi sinh thương hiệu “vàng xanh” Đà Lạt
Doanh nhân Lê Tiến Thịnh, , Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar).

Thách thức từ chiếc “ghế nóng”

Từ khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, Lê Tiến Thịnh đã đam mê kinh doanh và sớm định hình lý tưởng sống. Sau khi tốt nghiệp, không chọn lối đi an toàn, anh dấn thân vào con đường khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin đến nông nghiệp công nghệ cao…

Nhưng, điều tạo ra bước ngoặt và dấu ấn lớn nhất trong hành trình của anh lại là… cây atiso. Năm 2023, sau những trải nghiệm phong phú, gồm cả thành công và thất bại, anh lựa chọn ngồi vào “ghế nóng” - Tổng giám đốc Ladophar, khi doanh nghiệp đang trên bờ vực, mất phương hướng phát triển. Với nhiều người, sự lựa chọn này rất không an toàn, nhưng với doanh nhân 7x Lê Tiến Thịnh, đây chính là cơ hội để tạo nên sự thay đổi.

Thời điểm anh Thịnh tiếp quản Ladophar, Công ty ở trong tình trạng thua lỗ kéo dài, nhân sự bất ổn, sản phẩm thiếu sự khác biệt, mô hình kinh doanh lỗi thời. Anh bắt đầu bằng việc đưa doanh nghiệp hướng về giá trị cốt lõi, tập trung cho sản phẩm cốt lõi - dược liệu thiên nhiên, đặc biệt là atiso - một loại dược liệu quý, được coi là “vàng xanh” của vùng đất Đà Lạt, Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tân Tổng giám đốc dốc sức xây dựng lại niềm tin từ đội ngũ nhân sự nội bộ.

Thay vì cắt giảm chi phí và chạy theo xu hướng ngắn hạn, anh Thịnh lựa chọn đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm, chọn con đường bền vững bằng cách gắn bó chặt chẽ với người nông dân. Không chỉ bán sản phẩm, anh xây dựng một hệ sinh thái dược liệu hoàn chỉnh, từ giống cây, quy trình canh tác, đào tạo kỹ thuật, đến bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định, giúp hàng trăm hộ nông dân tại Đà Lạt ổn định và phát triển kinh tế.

Sau 2 năm, Ladophar từ một doanh nghiệp liên tục thua lỗ đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, Công ty báo lãi 6,9 tỷ đồng; sản lượng atiso tăng vọt từ 423 tấn lên 1.800 tấn, dự kiến đạt 2.500 tấn trong năm 2025. Những con số này phản ánh hiệu quả kinh tế từ mô hình phát triển bền vững của Ladophar.

Cùng với việc củng cố nội lực, CEO Lê Tiến Thịnh còn đặt tham vọng đưa Ladophar trở thành biểu tượng dược liệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Anh tiến hành tái cấu trúc hệ thống phân phối, mở rộng chi nhánh ở miền Bắc và TP.HCM, đầu tư nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO với ngân sách hơn 200 tỷ đồng, phát triển sản phẩm mới đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…

Nhờ chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững, Ladophar nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa trà atiso, bột atiso cùng các dược liệu khác đến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và khu vực Trung Đông. Công ty còn hợp tác với đối tác quốc tế như Công ty Hoàng Trà (thuộc Hongyi Travel, Đài Loan, Trung Quốc), ký kết hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng, mở ra cánh cửa cho sản phẩm kết hợp du lịch sức khỏe.

Với quan điểm kinh doanh gắn liền trách nhiệm xã hội, Ladophar rất chú trọng đầu tư vào con người và mang lại giá trị cho cộng đồng. Công ty triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân khó khăn, phát triển vùng trồng sạch và đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Đặc biệt, CEO Lê Tiến Thịnh còn ấp ủ ý tưởng biến Đà Lạt thành trung tâm du lịch dược liệu sinh thái, nơi du khách không chỉ nghỉ dưỡng, mà còn được trải nghiệm trồng, chế biến, khám phá dược liệu bản địa. Mô hình này góp phần bảo tồn thiên nhiên, thúc đẩy kinh tế xanh, mang lại giá trị bền vững.

Screenshot_60.png

Ladophar đặt mục tiêu trở thành biểu tượng dược liệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hành trình mới và khát vọng vươn tầm

Thành công với dược liệu thô và thực phẩm chức năng, CEO Lê Tiến Thịnh tiếp tục dẫn dắt Ladophar trên hành trình mới với việc thành lập công ty hóa dược, nghiên cứu và sản xuất thuốc chuyên sâu chiết xuất từ atiso và các dược liệu quý hiếm như sâm ngọc linh, thông đỏ, trà hoa vàng...

“Chúng tôi không muốn dừng lại ở sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, mà hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm hiện đại, kết hợp y học cổ truyền với công nghệ tiên tiến để sản phẩm Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế”, anh Thịnh chia sẻ.

Việc mở rộng sang hóa dược là bước đi chiến lược của Ladophar nhằm góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ dược phẩm thế giới. Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, doanh nghiệp Việt có khả năng làm chủ công nghệ và xây dựng thương hiệu uy tín.

Song song với phát triển quy mô, Ladophar chú trọng xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, thu hút nhân tài và nhân lực trẻ, tạo động lực học hỏi và phát triển. Ladophar đặt mục tiêu, trong 5 năm tới sẽ dẫn đầu thị trường trong nước về atiso và sản phẩm dược liệu tự nhiên; tiến sang thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ.

Ở trong nước, mạng lưới phân phối rộng khắp, với hơn 1.800 điểm bán trên toàn quốc, trong đó có các chuỗi siêu thị, nhà thuốc lớn giúp Ladophar tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty tích cực

tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế, tìm kiếm cơ hội để mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Ladophar áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý, kết hợp phần mềm thông minh và trí tuệ nhân tạo, tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng. Công ty hợp tác với các chuyên gia quốc tế để phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, đặc biệt là chứng nhận Halal, mở rộng thị trường vào cộng đồng Hồi giáo.

Không chỉ tập trung phát triển sản phẩm, Ladophar còn chú trọng bảo vệ thiên nhiên và phát triển kinh tế xanh tại Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, vùng đất nổi tiếng với đồi thông, hồ nước trong xanh… Du khách đến đây sẽ được tham gia các lớp học, trải nghiệm trồng và chế biến dược liệu, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch dược liệu sinh thái đặc sắc, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên.

Chọn cách lặng lẽ gieo mầm xanh trên đất lạnh, để những bông atiso không chỉ nở rộ trên cao nguyên Đà Lạt, mà còn lan tỏa dấu ấn ra thị trường quốc tế, CEO Lê Tiến Thịnh cùng đội ngũ Ladophar đã, đang và sẽ tiếp tục viết câu chuyện truyền cảm hứng về khát vọng, sự đổi mới và trách nhiệm với cộng đồng.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.