Trong tổng số 6.358 thủ tục hành chính hiện hành, có tới 4.377 thủ tục trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đi kèm là gần 9.000 điều kiện kinh doanh, hơn 3.000 sản phẩm thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, cùng với khoảng 640 chế độ báo cáo doanh nghiệp phải thực hiện định kỳ.
Việc xác định rõ các loại thủ tục và chi phí liên quan được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề khả thi cho mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ trong năm nay, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Mức cắt giảm này có thể cao hơn nếu đi kèm các giải pháp cải cách mạnh mẽ như đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
Tuy nhiên, bài toán chi phí tuân thủ không chỉ dừng ở các thủ tục hành chính. Các chuyên gia cho rằng chi phí thực tế còn bao gồm chi phí gia nhập thị trường, tuân thủ điều kiện đầu tư, tiếp cận thông tin, xử lý khiếu nại, chi phí thời gian, thanh tra, kiểm tra và đặc biệt là chi phí không chính thức.
Mặc dù Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp chi tới 10% doanh thu cho chi phí không chính thức đã giảm, nhưng số lượng doanh nghiệp trả chi phí không chính thức lại tăng, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện và thủ tục liên quan đến đất đai. Nguyên nhân chính là do hệ thống quy định pháp luật còn thiếu nhất quán, đồng bộ và thực thi chưa hiệu quả.
Báo cáo Việt Nam 2045 của Ngân hàng Thế giới gọi hiện tượng này là phản ứng “tránh tuân thủ”, xuất phát từ môi trường pháp lý phức tạp và liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp buộc phải tìm cách né tránh để tồn tại.
Trong nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí, Chính phủ Việt Nam đã sớm có các chương trình cải cách lớn, từ Quyết định 30/QĐ-TTg năm 2007,phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Khi đó, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được cắt giảm, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp chi phí tương đương 30.000 tỷ đồng/năm… đến với nghị quyết 19/NQ-CP, đến nay là Nghị quyết 68/NQ-CP và cơ chế một cửa. Các cải cách đã mở rộng đến hàng loạt lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, thuế, điện, xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư, và minh bạch hóa quy trình giải thể doanh nghiệp.
Dù vậy, theo đánh giá, gánh nặng chi phí vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Báo cáo Việt Nam 2045 cho rằng nguyên nhân cốt lõi nằm ở tư duy pháp lý còn nặng tính quản lý, kiểm soát. Đợt cải cách lần này, theo Nghị quyết 66-NQ/TW, đặt mục tiêu chuyển hẳn sang tư duy “phục vụ” – lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh phân quyền, tăng trách nhiệm giải trình, xóa bỏ “xin-cho” và đặc quyền nhóm.
Chương trình “Khám phá nông nghiệp Hoa Kỳ” do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức đã chính thức diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên, phường Sài Gòn vào ngày 19-7.