Với vai trò là một trong những trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước cụ thể hóa các định hướng chiến lược mà Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đề ra. Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang chủ động triển khai các chương trình hành động cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, phương thức vận hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển một nền khoa học – công nghệ hiện đại, tự chủ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực trọng tâm, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết đột phá chiến lược, được xem là “bộ tứ trụ cột” định hình tầm nhìn dài hạn cho quốc gia. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), đây là những định hướng cốt lõi kiến tạo nền tảng cho một mô hình phát triển bền vững, tự cường trong kỷ nguyên số. Với vai trò là đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, UEH đã chủ động xây dựng Chương trình hành động triển khai 4 Nghị quyết này, lấy mô hình City – University Innovation Hub làm trục chiến lược trung tâm. Qua đó, UEH không chỉ đóng vai trò là hạt nhân lan tỏa tri thức trong cộng đồng, mà còn là trung tâm dẫn dắt các sáng kiến chiến lược, góp phần thực thi chính sách quốc gia thông qua đào tạo, nghiên cứu và liên kết hệ sinh thái. Chương trình hành động của UEH xoay quanh 3 trụ cột chủ đạo: Thứ nhất, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. UEH đẩy mạnh các chương trình E-MBA chuyên sâu cho khu vực tư nhân, đào tạo điều hành doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương. Đồng thời, mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” được triển khai sâu rộng với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp trong thiết kế chương trình, giảng dạy và đánh giá hiệu quả đầu ra. Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn. UEH xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu mở phục vụ triển khai nghị quyết, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, thể chế và công nghệ cao. Nhiều đề tài cấp quốc gia và địa phương đang được triển khai tập trung vào các lĩnh vực như thành phố thông minh, kinh tế xanh, năng lực số và chuyển đổi mô hình quản trị. Thứ ba, tư vấn – phát triển – liên kết cộng đồng. UEH tham gia tư vấn cải cách thể chế cho các cơ quan trung ương và địa phương, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox), thương hiệu vùng và các giải pháp đổi mới sáng tạo. Trường cũng mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chuẩn mực trong nghiên cứu, tư vấn và triển khai chính sách thực tiễn.
Thúc đẩy sức mạnh liên kết: Cơ sở giáo dục Đại học – Doanh nghiệp – Nhà nước – Cộng đồng
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng khẳng định vai trò là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, việc huy động và kết nối nguồn lực từ các trường đại học là yêu cầu tất yếu. Những cơ sở giáo dục đại học không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo mà còn trở thành trung tâm kiến tạo tri thức mới, lan tỏa giá trị, đồng hành cùng doanh nghiệp và cộng đồng trên hành trình phát triển.
Nghị quyết 57 không chỉ xác lập định hướng phát triển khoa học – công nghệ mà còn tạo ra bước ngoặt quan trọng cho toàn ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Các trường đại học giờ đây vừa phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn mực quốc tế, vừa phải đi đầu trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Đây chính là một chương mới – mở ra cả thời cơ lẫn thách thức – đòi hỏi sự phối hợp, cộng hưởng và tinh thần tiên phong giữa Nhà trường, Doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học và cao đẳng Việt Nam (VNEI) – nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Đại học cung cấp tri thức và kết quả nghiên cứu ứng dụng, trong khi doanh nghiệp là đầu mối triển khai, thử nghiệm và hiện thực hóa những ý tưởng đổi mới đó. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần định hình mô hình đào tạo linh hoạt, thích ứng với thực tiễn kinh tế – xã hội.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – ông Lê Thành Minh – cho biết: Thành phố hiện sở hữu một nền tảng khoa học mạnh mẽ, với 97 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín hàng đầu. Thành phố còn có hơn 450 tổ chức khoa học – công nghệ, 134 phòng thí nghiệm hiện đại, cùng 123 tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thông qua các chương trình nghiên cứu và hỗ trợ khoa học – công nghệ, TP.HCM đã hình thành 135 nhóm nghiên cứu mạnh, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế.
Những thành quả bước đầu trong việc triển khai Nghị quyết 57 tại TP.HCM không chỉ tạo sức bật phát triển cho địa phương, mà còn đóng vai trò đầu tàu trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số đến các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và toàn quốc. Đó chính là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm của giáo dục đại học và khoa học – công nghệ trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững và tự cường của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Microsoft cắt giảm gần 4% nhân sự toàn cầu (khoảng 9.000 người) để giảm chi phí giữa lúc đẩy mạnh đầu tư 80 tỷ USD vào hạ tầng AI, ảnh hưởng cả mảng game với 200 vị trí tại studio King ở Barcelona. Áp lực chi phí và biên lợi nhuận giảm khiến Microsoft và nhiều “ông lớn” công nghệ Mỹ như Meta, Google, Amazon tiếp tục tinh giản nhân sự.