Mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây

19/07/2025, 10:09
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có 202.000 ha dừa, sản lượng 2,28 triệu tấn/năm, kim ngạch gần 400 triệu USD
Mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây
Ảnh minh hoạ.

Ngày 18-7, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tọa đàm thúc đẩy phát triển nhóm cây trồng chủ lực như dứa, chuối, dừa, chanh dây với mục tiêu sớm đưa các mặt hàng này gia nhập "câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô".

Tại tọa đàm, lãnh đạo bộ cho biết sầu riêng và thanh long, hai loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đã vượt mốc xuất khẩu 1 tỉ USD. Tuy nhiên, cả hai đang đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường Trung Quốc như yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc và quy chuẩn kỹ thuật. Để giảm phụ thuộc, bộ định hướng mở rộng xuất khẩu các loại trái cây tiềm năng như dừa, chuối, dứa và chanh dây.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có 202.000 ha dừa, sản lượng 2,28 triệu tấn/năm, kim ngạch gần 400 triệu USD và có thể đạt tỉ đô nếu phát triển chế biến sâu.

Trong khi đó, chuối từng không có tên trên bản đồ xuất khẩu nhưng năm 2024 đã đạt 378 triệu USD. Nếu ứng dụng công nghệ và nâng giá trị sản xuất, chuối có thể mang về 4 tỉ USD mỗi năm. Dứa cũng giàu tiềm năng khi thị trường toàn cầu đạt 29 tỉ USD với mức tăng trưởng 6,3%/năm. Chanh dây được Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt trong mùa đông. Tất cả 4 loại đều phù hợp phát triển công nghiệp chế biến như nước ép, sản phẩm đóng hộp, sấy khô…

Dù vậy, ngành trái cây vẫn đối mặt nhiều rào cản như vùng nguyên liệu chưa chuẩn, chế biến sâu còn thấp, thiếu thương hiệu quốc gia. Do đó, bộ đang tái cấu trúc ngành hàng, xây dựng chuỗi giá trị, tổ chức lại liên kết sản xuất và mở rộng xuất khẩu chính ngạch, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Cùng ngày, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Ecotech Community - Techfest Việt Nam và Công ty CP Công nghệ Checkee tổ chức Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững".

Tại đây, đại diện một trang trại nông sản ở Lâm Đồng cho biết truy xuất là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, nông dân đang loay hoay do thiếu hướng dẫn cụ thể, quy trình mơ hồ và chi phí còn cao.

Ngay cả lĩnh vực dệt may cũng đối mặt tình cảnh tương tự. Ông Lưu Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt nhuộm Tân Đức Khanh, cho biết để đầu tư hệ thống truy xuất đầy đủ có thể tiêu tốn hàng triệu USD, vượt quá khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi chính sách hỗ trợ còn thiếu rõ ràng, khiến doanh nghiệp chần chừ.

Chuyên gia Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee, khuyến nghị các doanh nghiệp và cả nông dân cần phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để xác định mức độ truy xuất phù hợp, tránh đầu tư dàn trải và quá sức.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.