VN-Index trải qua phiên 25/7 tăng điểm trọn vẹn và chính thức thiết lập đỉnh lịch sử với giá đóng cửa 1.531,13 điểm, tăng 10,11 điểm (+0,66%) theo phiên và tăng 2,26% so với tuần trước. Trong phiên, VN-Index có thời điểm tăng lên cao nhất 1.534,5 điểm, cũng tiến rất sát mức cao nhất ghi nhận trong phiên 6/1/2022. Sắc xanh áp đảo với 62 mã tăng trần và 507 mã tăng giá, trong khi chỉ có chưa đến 340 mã chứng khoán giảm giá và giảm kịch biên độ.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, chuyên gia Phân tích Chứng khoán Pinetree, đây là tuần thứ 5 liên tiếp VN-Index tăng cả về số điểm lẫn thanh khoản. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục hứng khởi khi các doanh nghiệp lần lượt công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 cũng như kỳ vọng về nâng hạng thị trường vào tháng 9. Dòng tiền liên tục đổ mạnh và xoay tua giữa các nhóm cổ phiếu trụ, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản giúp thị trường giữ vững đà tăng bất chấp có những rung lắc hồi đầu tuần.
Dự báo về xu hướng sắp tới, chuyên gia từ Chứng khoán Pinetree cho rằng, gần như chắc chắn VN-Index sẽ vượt qua mọi mức điểm từng đạt được trong lịch sử giao dịch vào tuần sau khi chỉ còn khoảng cách 5 điểm nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh trong xu hướng uptrend luôn luôn xuất hiện những nhịp điều chỉnh sâu để rũ bỏ. Một số yếu tố bất định được chỉ ra như việc các doanh nghiệp lớn công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 hay Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan chính thức vào ngày 1/8.
Cùng đó, xu hướng của VN-Index thời điểm hiện tại phụ thuộc rất nhiều nhóm cổ phiếu nhà Vingroup cũng như dòng vốn của khối ngoại. Trong trường hợp xấu, nếu trong tuần tới nhóm cổ phiếu Vingroup bị điều chỉnh mạnh hay dòng vốn khối ngoại không còn đủ khỏe để kéo thị trường, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.
Trong một tháng trở lại đây, VN-Index tăng hơn 12% và là một trong ba chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới, chỉ sau chỉ số sàn chứng khoán tại Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ. Tính riêng trong ba tuần đầu tháng 7, chỉ số sàn HoSE đã tăng 11,2%. Cú bứt tăng của tháng 7 ngang ngửa giai đoạn tăng của cả nửa đầu năm trước đó. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong bước nhảy của tháng 7 này.
Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng 155 điểm của VN-Index từ đầu tháng 7 đến nay vẫn dựa vào cổ phiếu các "ông lớn" bất động sản nhà Vingroup và ngân hàng, theo số điểm tăng đóng góp lần lượt là VIC (+18,6 điểm), VHM (+16,9 điểm), VCB (10,6 điểm), VPB (+10,53 điểm) và HDB (+5,4 điểm). Tuy nhiên, tổng số điểm đóng góp của Top 5 này chỉ tương ứng chưa đến 40% số điểm tăng. Trong khi nếu tính từ đầu năm đến nay, Top 5 tác động tích cực nhất đến chỉ số góp 64,2% số điểm tăng.
Đà tăng lan rộng khi dòng tiền luân phiên và đổ vào thúc đẩy đà tăng của nhiều cổ phiếu thay vì tập trung chính ở một số nhóm, thậm chí không ít cổ phiếu tăng giá khá nhanh. Như trong tuần vừa qua, cổ phiếu của hãng hàng không Vietjet (VJC) chính thức bứt lên trở lại vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu và tăng tới 30% chỉ trong vỏn vẹn một tuần. Cú bứt phá này cũng đưa VJC vào top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường.
Tương tự, cổ phiếu HPG cũng mới vào "guồng" tăng từ đầu tháng 6/2025. So với mức đáy của năm xác lập hồi đầu tháng 4 khi thị trường biến động mạnh vì câu chuyện thuế qua, cổ phiếu HPG tăng gần gấp rưỡi (tính theo giá đã điều chỉnh sau chia thưởng cổ phiếu). Còn tính từ đầu năm, cổ phiếu của Hoà Phát cũng tăng khoảng 17%.
Tính từ đầu năm, VN-Index tăng thêm 261 điểm, tương ứng mức tăng 20,8%. Dù đây là con số ấn tượng khi so với lịch sử giao dịch các năm, "độ nóng" của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm vẫn thua xa nhiều quốc gia như Venezuela, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hàn Quốc, Hungary, Israel...
Cổ phiếu Vingroup với quy mô vốn hoá lớn cùng giá cổ phiếu cao gấp 2,8 lần thời điểm đầu năm đóng góp gần 74 điểm trong tổng mức tăng 261 điểm của chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT, một trong những cổ phiếu tăng giá tốt và thu hút lượng lớn dòng tiền của các nhà đầu tư trong năm 2024 lại là cổ phiếu "ghìm" chân chỉ số chính. So với cuối năm trước, quy mô vốn hoá của FPT giảm 35.750 tỷ đồng. Giá cổ phiếu FPT (điều chỉnh sau đợt chi trả cổ tức và chia thưởng cổ phiếu) giảm 13,8%.
Top 10 cổ phiếu tác động thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025. Nguồn: Vietstock Finance
Top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay còn có "tân binh" Vinpeal. Kể từ sau khi lên sàn vào giữa tháng 5, đà tăng mạnh ở các phiên đầu khi bên bán dè dặt "nhả hàng" từng giúp giá cổ phiếu VPL có thời điểm vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với áp lực điều chỉnh sau đó, cổ phiếu VPL đóng cửa cuối tuần qua ở mức 87.600 đồng/cổ phiếu, vẫn cao hơn gần 23% so với mức giá tham chiếu ngày chào sàn.
Ngoài nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng, trụ cột đưa VN-Index tăng điểm từ đầu năm còn có hai cổ phiếu "nhà" Gelex gồm Tập đoàn Gelex và Công ty cổ phần Điện lực GELEX với số điểm đóng góp lần lượt là 8,93 điểm và gần 8 điểm. Giá cổ phiếu GEX cũng có một tuần tăng giá ấn tượng (+26%) lên 53.500 đồng/cổ phiếu. Quy mô vốn hoá nhờ vậy đến nay xấp xỉ 48.300 tỷ đồng. Cổ phiếu GEE cũng có 7 tháng đầu năm miệt mài tăng giá, đưa giá cổ phiếu lên gấp 4,65 lần thời điểm cuối năm. Quy mô vốn hoá cũng đạt hơn 45.000 tỷ đồng.
VCCI cho rằng, việc thu thuế ngay khi chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể tạo áp lực tài chính cho nhà đầu tư, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư dài hạn, ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh nghiệp.