Chiều ngày 30/6 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã long trọng tổ chức Lễ ra mắt Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng thời công bố định hướng phát triển trong thời gian tới. Thứ trưởng Hoàng Minh đã tham dự và chủ trì sự kiện.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới làn sóng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, thị trường công nghệ nổi lên như một động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt tại các quốc gia có trình độ phát triển cao. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Ngân hàng Thế giới, những nền kinh tế sở hữu thị trường công nghệ hiệu quả thường đạt mức đầu tư cho nghiên cứu – phát triển (R&D) và thương mại hóa sáng chế cao gấp 3–5 lần so với các quốc gia chưa có thị trường công nghệ chuyên biệt.
Tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thị trường công nghệ không chỉ là động lực nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn là cầu nối thiết yếu giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển giao tri thức vào sản xuất.
Trên thế giới, mô hình sàn giao dịch công nghệ đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1990, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Không dừng lại ở vai trò nền tảng kết nối cung – cầu công nghệ, các sàn này còn tích hợp đa dạng dịch vụ hỗ trợ như định giá, đánh giá công nghệ, tư vấn pháp lý, tài chính, tiêu chuẩn chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này tại châu Á, với việc thành lập và vận hành Sàn giao dịch Công nghệ Thượng Hải (STEX) từ năm 1993. Khởi đầu từ một trung tâm môi giới công nghệ quy mô nhỏ, STEX đã phát triển thành một hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố. Tính đến năm 2023, STEX ghi nhận hơn 4.000 giao dịch công nghệ với tổng giá trị lên tới khoảng 60 tỷ USD – một minh chứng rõ nét về hiệu quả mà mô hình sàn giao dịch công nghệ mang lại.
Tại Việt Nam, nhiều tiền đề quan trọng cho sự phát triển thị trường công nghệ đã được hình thành: từ định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193-NQ/TW), đến hạ tầng số ngày càng hoàn thiện và nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ để thoát khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp”.
Hơn một thập kỷ qua, hệ sinh thái kết nối cung – cầu công nghệ tại Việt Nam đã bước đầu được xây dựng với mạng lưới 22 cổng thông tin công nghệ tại các địa phương cùng nhiều sự kiện quy mô lớn như Techmart, Techconnect and Innovation, Techfest... Đây chính là những nền tảng quan trọng đặt nền móng cho việc phát triển mô hình sàn giao dịch công nghệ theo hướng bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại buổi lễ.( Ảnh: NGUYÊN HOÀNG )
Việc ra đời Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà còn là thiết chế hạ tầng cốt lõi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Với vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu – sản xuất – thị trường, sàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa công nghệ, mở rộng không gian đổi mới sáng tạo, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Hiện tại, trong giai đoạn đầu (pha 1), Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tích hợp thông tin của khoảng 600 công nghệ chào bán dưới dạng thiết bị, máy móc; 50 nhu cầu tìm mua công nghệ; cùng với mạng lưới 150 chuyên gia tư vấn và môi giới công nghệ. Các gian hàng trên sàn giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị chào bán, mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư.
Trong giai đoạn tiếp theo (pha 2), dự kiến ra mắt vào tháng 11 tới, sàn sẽ được phát triển thêm các tính năng quan trọng như: tương tác cung – cầu công nghệ trực tuyến; tư vấn và môi giới công nghệ; thống kê số lượng và giá trị giao dịch; tích hợp các dịch vụ tư vấn tài chính, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm vận hành hiệu quả cả ở hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vận hành theo mô hình hợp tác công – tư, trong đó Nhà nước đảm trách đầu tư hạ tầng, phát triển nền tảng sàn trực tuyến, chia sẻ dữ liệu khoa học – công nghệ, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giao dịch công nghệ một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả.
Với sự ra đời của Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước sẽ có thêm một điểm tựa chiến lược. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa thể chế khoa học – công nghệ, mà còn là động lực mới để chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Microsoft cắt giảm gần 4% nhân sự toàn cầu (khoảng 9.000 người) để giảm chi phí giữa lúc đẩy mạnh đầu tư 80 tỷ USD vào hạ tầng AI, ảnh hưởng cả mảng game với 200 vị trí tại studio King ở Barcelona. Áp lực chi phí và biên lợi nhuận giảm khiến Microsoft và nhiều “ông lớn” công nghệ Mỹ như Meta, Google, Amazon tiếp tục tinh giản nhân sự.