Rạng sáng 8/7 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) – đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt gồm Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), bảng Anh (GBP), Đô la Canada (CAD), Krona Thụy Điển (SEK) và Franc Thụy Sĩ (CHF) – đã tăng 0,37% lên mức 97,54 điểm.
Diễn biến này được ghi nhận ngay sau khi ông Trump đăng tải các bức thư gửi lãnh đạo các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Myanmar, Nam Phi và Lào, tuyên bố áp thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, mức thuế áp dụng là 25%, gây ra phản ứng đáng kể trên thị trường tài chính.
Đồng USD tăng mạnh nhất so với Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng giá mạnh nhất so với đồng Yên Nhật (JPY), với mức tăng 1,09% lên 146,130 JPY/USD. Trong khi đó, USD cũng tăng 0,38% so với đồng Franc Thụy Sĩ (CHF), đạt 0,798 CHF/USD.
Đồng Euro (EUR) giảm 0,57% xuống còn 1,172 USD, dù trước đó đã có chuỗi tăng trưởng tích cực từ đầu năm. Đồng Bảng Anh (GBP) giảm 0,26% xuống mức 1,362 USD nhưng vẫn duy trì gần đỉnh cao kể từ tháng 10/2021.
Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khó đạt được kết quả trước thời hạn chót ngày 9/7 – thời điểm kết thúc giai đoạn 90 ngày tạm hoãn thuế quan theo chính sách “Ngày Giải phóng” mà ông Trump công bố hồi tháng 4.
Chuyên gia Brad Bechtel, Giám đốc ngoại hối toàn cầu tại Jefferies, nhận định:“Nhưng rõ ràng, tin tức sáng nay từ Mỹ liên quan đến ông Trump và các mức thuế quan đang ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng tiền khác, ngoại trừ đồng USD, lần này là một ngoại lệ”.
Các đồng tiền có tính rủi ro cao như Đô la Úc (AUD) và Đô la New Zealand (NZD) cũng sụt giảm mạnh, lần lượt mất 0,79% và 0,74%. Thị trường đang chờ đợi các quyết định chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) và Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) trong hai ngày tới. RBA được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, trong khi RBNZ nhiều khả năng giữ nguyên lãi suất.
Ông Paul Mackel, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ toàn cầu tại HSBC, nhận định: “Sự không chắc chắn trong chính sách của Mỹ có thể không còn tác động mạnh như hồi đầu tháng Tư, nhưng chúng tôi cho rằng mối tương quan này vẫn còn ý nghĩa”.
Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 8/7 công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD giảm nhẹ, xuống còn 25.113 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện được niêm yết ở mức mua vào 23.908 đồng và bán ra 26.318 đồng mỗi USD.
Việc đồng USD tăng giá trong bối cảnh Mỹ tăng cường các biện pháp thuế quan với nhiều đối tác thương mại tiếp tục phản ánh vai trò “điểm đến an toàn” của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với những rủi ro tiềm ẩn từ lạm phát và chính sách thương mại chưa rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trong các quyết định mua bán ngoại tệ trong ngắn hạn.
6 tháng đầu năm 2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng tới 10%. Mức tăng trưởng này gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024.