Tổng Bí thư Tô Lâm: Việc xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát,sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

29/05/2025, 10:10
Chiều 28.5 Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhằm bàn giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việc xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát,sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Ảnh minh hoạ.

Tham dự buổi làm việc có Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cùng đại diện các cơ quan liên quan.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư đánh giá công tác quản lý thị trường vàng thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ rõ rằng chính sách hiện hành còn chậm đổi mới, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến bất cập trong kiểm soát thị trường, cần được khẩn trương đổi mới, hoàn thiện.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần chuyển mạnh tư duy quản lý từ “hành chính” sang “thị trường có kỷ cương”, từ “siết để kiểm soát” sang “mở để quản trị”. Đồng thời dứt khoát từ bỏ quan điểm “không quản được thì cấm”, đưa thị trường vàng vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết hợp lý của Nhà nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường vàng và ổn định kinh tế vĩ mô, Tổng Bí thư đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Sửa đổi Nghị định 24 theo hướng thị trường hóa
Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng thị trường hóa, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và có lộ trình thực hiện cụ thể. Mục tiêu là kết nối hiệu quả thị trường vàng trong nước với quốc tế, tạo cơ sở pháp lý hiện đại, minh bạch hơn.

Xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát
Tổng Bí thư đề nghị từng bước chấm dứt thế độc quyền của Nhà nước đối với thương hiệu vàng miếng. Theo đó, Nhà nước tiếp tục giữ vai trò quản lý sản xuất, nhưng cho phép nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thị trường, qua đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng nguồn cung và góp phần bình ổn giá.

Mở rộng quyền nhập khẩu vàng một cách có điều tiết
Việc cho phép mở rộng quyền nhập khẩu vàng – dưới sự kiểm soát – góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới.

Phát triển thị trường vàng trang sức
Nhà nước cần khuyến khích phát triển lĩnh vực vàng trang sức trong nước, hướng tới xây dựng Việt Nam thành trung tâm chế tác và xuất khẩu vàng trang sức chất lượng cao. Đồng thời, thúc đẩy chuyển hóa vàng tích trữ thành các sản phẩm có giá trị gia tăng.

Tạo lập các kênh đầu tư thay thế hấp dẫn
Tổng Bí thư cho rằng, cần phát triển những kênh đầu tư thay thế an toàn, hấp dẫn để thu hút vàng từ dân cư vào nền kinh tế.

Tăng cường phối hợp liên ngành, phòng chống buôn lậu
Quản lý thị trường vàng cần sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành – đặc biệt là trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại liên quan đến vàng.

Phát huy vai trò Hiệp hội Kinh doanh vàng
Hiệp hội cần đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, phản ánh kịp thời vướng mắc từ thực tiễn, hỗ trợ Nhà nước trong việc bình ổn thị trường khi có biến động.

Củng cố niềm tin vào đồng tiền Việt Nam
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tăng niềm tin vào VND là giải pháp lâu dài nhằm giảm vai trò của vàng trong tích trữ và đầu cơ, hướng tới sử dụng nguồn lực hiệu quả cho phát triển kinh tế.

Xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường vàng minh bạch
Việc thiết lập cơ sở dữ liệu toàn diện sẽ giúp minh bạch hóa thị trường, phục vụ công tác thu thuế, quản lý thị trường vàng – ngoại hối – tỷ giá, cũng như đánh giá tác động đến các kênh đầu tư khác.

Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số giải pháp đột phá như: thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, hoặc cho phép vàng được giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa, hoặc thông qua một Sàn giao dịch vàng tại Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp thuế giao dịch mua bán vàng để tăng minh bạch và kiểm soát thị trường cũng được xem xét. Đồng thời, Tổng Bí thư đề xuất xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với vàng trang sức mỹ nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển ngành chế tác vàng.

Tổng Bí thư Tô Lâm giao cho Đảng ủy Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng báo cáo, đề xuất cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.