Thuế đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững
Theo ông Mai Sơn, phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu mang tính chiến lược, được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết lớn như Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ. Cơ quan thuế xác định rõ vai trò đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế để đưa các chủ trương này vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực.
Thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quy trình quản lý, xây dựng hạ tầng số và nền tảng công nghệ phục vụ người nộp thuế (NNT). Đồng thời, chương trình “Tháng cao điểm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh” đã được tổ chức trên toàn quốc nhằm hỗ trợ nhóm NNT đang chuyển đổi theo quy định mới tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Thông tư 32/2025/TT-BTC, đặc biệt là đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền – một bước tiến lớn trong việc minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Chính sách thuế linh hoạt, hướng tới số hóa và cá thể hóa giải pháp
Cơ quan thuế cho biết sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến từ các hiệp hội, đại lý thuế, doanh nghiệp công nghệ và các đơn vị liên quan để hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng thân thiện hơn với NNT. Mục tiêu là xây dựng chính sách thuế, hóa đơn, kế toán số hóa, đơn giản, dễ tuân thủ, chi phí thấp, phù hợp với đặc điểm từng nhóm hộ kinh doanh.
Song song đó, ngành Thuế sẽ mở rộng các giải pháp hỗ trợ miễn phí như phần mềm kế toán dùng chung, hóa đơn điện tử, nền tảng kê khai – nộp thuế trực tuyến. Việc phối hợp đào tạo, tư vấn pháp lý cho hộ kinh doanh cũng sẽ được triển khai mạnh hơn thông qua liên kết giữa cơ quan thuế và các tổ chức trung gian.
“Chúng tôi ghi nhận sự đồng hành tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ, báo chí và các địa phương trong việc lan tỏa chính sách, hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực thi các quy định mới. Tuy nhiên, việc yêu cầu áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền vào từng hộ kinh doanh vẫn còn không ít khó khăn, cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của toàn hệ thống chính trị”, Phó Cục trưởng Mai Sơn chia sẻ tại Hội nghị.
Cá thể hóa giải pháp, cá biệt hóa hỗ trợ
Ngành Thuế cho biết sẽ phối hợp cùng các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thiết kế các gói dịch vụ phù hợp theo từng phân khúc hộ kinh doanh, dựa trên ngành nghề và quy mô hoạt động. Giải pháp cá thể hóa này giúp tiết giảm chi phí, tăng khả năng thực thi và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể.
Các tổ chức trung gian như hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị tư vấn thuế – kế toán – kiểm toán, doanh nghiệp công nghệ được đánh giá là “mắt xích” không thể thiếu trong hệ sinh thái thuế mới, đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và người nộp thuế. Những đơn vị này không chỉ hỗ trợ lan tỏa chính sách mà còn giúp phản ánh vướng mắc từ thực tiễn, tạo cơ sở để cơ quan thuế kịp thời điều chỉnh chính sách.
Kết luận hội nghị, Phó Cục trưởng Mai Sơn khẳng định, ngành Thuế cam kết đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển một cách lành mạnh, công bằng và bền vững. Ngành Thuế cũng đặt mục tiêu trở thành cầu nối tin cậy giữa người nộp thuế và các nhà cung cấp giải pháp, góp phần xây dựng hệ sinh thái thuế hiện đại, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng trong nước tiếp tục cho thấy nhiều bất cập cần được tháo gỡ một cách căn cơ. Những rào cản về cơ chế, sự độc quyền kéo dài cùng tình trạng thiếu minh bạch đang là những yếu tố kìm hãm sự phát triển lành mạnh của thị trường này.