Sáng 2/7, giá vàng trong nước tiếp tục bật tăng mạnh, đặc biệt ở mặt hàng vàng nhẫn. Tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, mức điều chỉnh tăng ghi nhận từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, phản ánh nhu cầu mua vào tăng và xu hướng thị trường quốc tế ổn định ở vùng giá cao.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng, tăng tới 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng ngày hôm qua. Tập đoàn DOJI cũng điều chỉnh tăng tương tự, nâng giá vàng nhẫn lên 109,4 – 112,4 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC tăng thêm 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra, đưa giá vàng nhẫn lên mức 114,3 – 116,8 triệu đồng/lượng. Tại hệ thống PNJ, giá vàng nhẫn hiện giao dịch ở mức 114,5 – 117 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng mỗi lượng.
Riêng tại TP.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng điều chỉnh giá vàng nhẫn tăng trung bình 700.000 – 800.000 đồng/lượng, lên mức 115,2 – 116,7 triệu đồng/lượng.
Song song với vàng nhẫn, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Hiện mặt hàng này đang được niêm yết phổ biến ở mức 118,7 – 120,7 triệu đồng/lượng, tăng thêm khoảng 1,2 triệu đồng so với phiên trước. Tại Mi Hồng, vàng miếng hiện được giao dịch ở mức 119 – 120,5 triệu đồng/lượng, ghi nhận mức tăng trung bình 1 triệu đồng/lượng so với sáng ngày 1/7.
Giá vàng thế giới sáng nay duy trì ổn định quanh ngưỡng 3.336 USD/ounce, gần như không biến động so với chốt phiên giao dịch trước. Còn so với sáng hôm qua, theo giờ Việt Nam, giá vàng đã tăng thêm 21 USD/ounce.
Một trong những yếu tố chủ chốt hỗ trợ giá vàng trong thời gian gần đây là sự suy yếu mạnh của đồng USD. Chỉ số DXY – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022, , khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo chuyên gia Ricardo Evangelista từ công ty phân tích thị trường ActivTrades, tâm lý lo ngại về tình hình tài khóa của Mỹ và những bất ổn xoay quanh chính sách thuế quan đang góp phần củng cố vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Đặc biệt, giới đầu tư đang theo dõi sát cuộc bỏ phiếu về gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu do Tổng thống Donald Trump đề xuất – một yếu tố có thể làm gia tăng mức độ bất định chính sách trong thời gian tới. Ông Trump thậm chí còn gây áp lực trực tiếp lên Fed khi gửi cho Chủ tịch Jerome Powell danh sách lãi suất toàn cầu kèm theo ghi chú viết tay, thúc giục việc cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, giá vàng đã tăng gần 25% trong 6 tháng đầu năm 2025, nối tiếp đà tăng 20% của cả năm 2024.
“Đà tăng được dẫn dắt bởi nhu cầu đầu tư mạnh giữa lúc bất ổn địa chính trị và chính sách toàn cầu leo thang. Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng trong quý I/2025 đã đưa nhu cầu đầu tư lên mức cao nhất kể từ năm 2022, trong khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng mua để phục vụ mục tiêu dự trữ ngoại hối,” nhóm chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cho biết.
Cổ phiếu Nike và nhiều hãng bán lẻ Mỹ tăng giá sau khi Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thương mại với Việt Nam, hạ thuế nhập khẩu xuống 20% và mở rộng tiếp cận thị trường Mỹ.