Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Thủ tướng Canada Mark Carney đã điện đàm với Tổng thống Trump vào tối 29/6, thông báo việc chính thức rút lại đề xuất thuế dịch vụ kỹ thuật số trước thời điểm có hiệu lực chỉ vài giờ.
“Đây là một thắng lợi quan trọng cho các công ty công nghệ Mỹ và cho thương mại công bằng giữa hai nước,” bà Leavitt nhấn mạnh. Bà đồng thời chỉ trích kế hoạch đánh thuế của Ottawa là một “sai lầm chiến lược”, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế song phương.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hasset xác nhận Washington sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Canada "ngay lập tức", nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại toàn diện trước thời hạn chốt ngày 21/7.
Trước đó, kế hoạch thuế của Canada dự kiến áp mức 3% trên doanh thu dịch vụ số từ người dùng Canada vượt quá 20 triệu USD mỗi năm – với hiệu lực hồi tố từ năm 2022. Nếu được thực thi, sắc thuế này sẽ tác động trực tiếp đến nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Meta, Google và Apple.
Tuy nhiên, áp lực từ phía Mỹ – đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang lâm vào thế bế tắc trong đàm phán thương mại – đã khiến Ottawa phải thay đổi lập trường vào phút chót.
Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Canada và ngược lại, Canada cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau Mexico. Theo các nhà quan sát, việc Ottawa hủy bỏ sắc thuế không chỉ là động thái mang tính thương mại, mà còn thể hiện nỗ lực duy trì quan hệ ổn định trong bối cảnh chính quyền Trump đang áp dụng lập trường thương mại cứng rắn hơn trên toàn cầu.
Quyết định của Canada hủy bỏ kế hoạch thu thuế dịch vụ kỹ thuật số được coi là bước đi chiến lược nhằm tháo gỡ thế bế tắc trong quan hệ thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh thời hạn đàm phán đang đến gần, việc nối lại đối thoại là cơ hội quan trọng để hai nền kinh tế hàng đầu Bắc Mỹ đạt được một thỏa thuận cân bằng và bền vững hơn.
Tổng thống Trump công bố thỏa thuận hạ mức thuế Mỹ áp lên nhiều hàng xuất khẩu Việt Nam xuống 20%, tránh kịch bản 46% ngay trước hạn chót đàm phán, mở đường ưu đãi 0% cho hàng Mỹ.