Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu FPT và chờ thêm các tín hiệu rõ ràng hơn để đưa ra quyết định mua mới. Dù không có đánh giá tiêu cực, PHS cho rằng hiện tại cổ phiếu này chưa có động lực tăng trưởng đột phá trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán DSC đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VTP của Tổng CTCP Bưu chính Viettel. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025, VTP ghi nhận doanh thu đạt 5.042 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 89 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ sự tăng mạnh 27% trong mảng dịch vụ, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng đáng kể, doanh nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Kết thúc quý I/2025, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VTP lần lượt hoàn thành 22% và 16% kế hoạch năm mà DSC đã dự báo trước đó. Trong năm 2025, ban lãnh đạo VTP đặt mục tiêu doanh thu đạt 21.028 tỷ đồng (tăng 1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 405 tỷ đồng (tăng 6%). DSC đánh giá doanh nghiệp có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra, đặc biệt nhờ kỳ vọng đóng góp từ dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn.
Áp dụng phương pháp định giá kết hợp giữa chiết khấu dòng tiền (DCF) và hệ số P/E với tỷ lệ 70:30, DSC đưa ra mức giá mục tiêu cho VTP trong năm 2025 là 122.600 đồng/cổ phiếu. Theo đơn vị này, VTP hoàn toàn có cơ sở để được tái định giá ở mức cao hơn trong tương lai nhờ mở rộng hoạt động kinh doanh và các dự án đem lại doanh thu bền vững. Tuy nhiên, do cổ phiếu đã tăng giá trong thời gian qua và hiện đang tiệm cận vùng định giá hợp lý, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội phù hợp để tích lũy với tầm nhìn trung dài hạn.
Ở chiều tích cực hơn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM. Động lực chính đến từ việc CII có thể hưởng lợi lớn từ Nghị định 91/2025/NĐ-CP, theo đó các lô đất đối ứng tại dự án BT ở Thủ Thiêm được xác định theo giá đất tại thời điểm ký hợp đồng khung từ năm 2015. Với mức tăng đáng kể của giá đất tại khu vực Thủ Thiêm trong những năm gần đây, CII được kỳ vọng sẽ ghi nhận hiệu quả lợi nhuận vượt trội khi triển khai các dự án BT trong giai đoạn 3–5 năm tới.
Song song với đó, dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu vận tải lớn giữa các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Theo VCBS, tuyến cao tốc này có lợi thế rõ rệt so với các tuyến đường cũ, đặc biệt trong vận chuyển nhóm hàng nông – thủy sản vốn yêu cầu tốc độ cao do đặc tính dễ hư hỏng.
CII cũng là một trong số ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ cơ chế mới cho phép triển khai các dự án BOT cải tạo hoặc nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Trong đó, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2026. Với triển vọng tích cực từ nhiều mặt trận, VCBS đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu CII là 17.580 đồng.
VN-Index duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 4/7 nhờ lực mua mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Với giá trị mua ròng lên tới gần 1.800 tỉ đồng, khối ngoại tiếp tục trở thành nhân tố dẫn dắt thị trường trong bối cảnh thanh khoản có phần suy giảm.