Chứng khoán ngày 10/7: Bộ ba cổ phiếu Vingroup dẫn dắt VN-Index tiến gần mốc 1.450 điểm

10/07/2025, 18:50
Thị trường tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm mạnh thứ năm liên tiếp trong ngày 10/7, khi dòng tiền nội ngoại dồn dập đổ vào nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là bộ ba VIC, VHM và VRE giúp VN-Index áp sát vùng 1.450 điểm, dù độ lan tỏa thị trường có phần hạn chế.
Chứng khoán ngày 10/7: Bộ ba cổ phiếu Vingroup dẫn dắt VN-Index tiến gần mốc 1.450 điểm
Ảnh minh hoạ

Dòng tiền lớn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường trong phiên 10/7, giúp VN-Index nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, lực tăng lần này chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là ba mã thuộc họ Vingroup, trong khi sự lan tỏa của dòng tiền tới các nhóm ngành khác vẫn còn hạn chế.

Kết phiên giao dịch ngày 10/7, chỉ số VN-Index tăng thêm 14,32 điểm, lên mức 1.445,64 điểm – đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp. Số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 185 mã tăng, 62 mã đứng giá và 119 mã giảm giá trên sàn HOSE. Dù thị trường ghi nhận mức tăng ấn tượng, độ lan tỏa giữa các nhóm ngành lại tương đối cân bằng, với 10 trong số 21 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh. Bất động sản, thép và cảng biển là những nhóm dẫn đầu đà tăng, trong khi dệt may, thủy sản và thực phẩm tiêu dùng chịu áp lực điều chỉnh đáng kể.

Chỉ số VN30 ghi nhận mức tăng mạnh 26,07 điểm, lên 1.569,34 điểm. Trong rổ này, số mã tăng áp đảo với 21 mã, chỉ có 2 mã đứng giá và 7 mã giảm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường có phần hạ nhiệt khi tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 24,9% so với phiên trước, xuống còn 1.131 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 27.666 tỷ đồng – vẫn cao hơn 20,7% so với mức trung bình 20 phiên gần nhất.

Trên sàn Hà Nội, diễn biến trái chiều xuất hiện khi cả hai chỉ số chính đều giảm nhẹ. Cụ thể, HNX-Index hạ 0,19 điểm còn 238,44 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22 điểm về 102,28 điểm.

Khối ngoại tiếp tục cho thấy xu hướng mua ròng tích cực với tổng giá trị mua ròng gần 982 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, riêng trên HOSE, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 1.074 tỷ đồng. SSI tiếp tục là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị 558 tỷ đồng, theo sau là VPB với 460 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã HDB, VRE và VCB cũng được rót vốn từ khối ngoại, dao động từ 88 đến 146 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG bị bán ròng 375 tỷ đồng, các mã khác như CTG, VCG, FRT và DGW cũng bị bán ra với giá trị khoảng 40–55 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 39 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường trong phiên hôm nay là bộ ba VIC, VHM và VRE – ba cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup. Cả ba mã đều bứt phá mạnh, đóng góp tổng cộng 10,9 điểm trong mức tăng 14,32 điểm của chỉ số chung. Trong đó, VIC tăng trần ngay từ đầu phiên và duy trì sắc tím đến khi đóng cửa, VHM tăng 5,13% và VRE tăng 6,16%. Sự bứt phá của ba cổ phiếu này đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong bối cảnh dòng tiền không lan tỏa rộng.

Ngoài họ Vingroup, một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng hỗ trợ tích cực cho chỉ số như SHB tăng 2,5%, VJC tăng 2,13%, HPG tăng 1,62%, MSN tăng 1,45%, SSI tăng 1,4% và PLX tăng 1,2%. Nhóm này phần nào bù đắp lại áp lực điều chỉnh đến từ nhóm ngân hàng – vốn là tâm điểm của phiên trước nhưng hôm nay lại suy yếu. Tổng giá trị khớp lệnh của các cổ phiếu ngân hàng trên HOSE giảm tới 44% so với phiên trước. Nhiều mã ngân hàng chìm trong sắc đỏ như MBB, VIB, TPB, TCB, STB, VCB; CTG đứng giá. Trong khi đó, HDB, LPB, SSB, VPB, ACB, BID tăng nhẹ, chỉ SHB là còn giữ được đà tăng rõ rệt.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Chỉ số midcap chỉ nhích nhẹ 0,09% với số mã tăng và giảm gần như tương đương (32 tăng, 31 giảm). Smallcap tăng 0,45% với 92 mã tăng và 55 mã giảm. Một số cổ phiếu nổi bật có thể kể đến VSC tăng 3,59% với thanh khoản 391,4 tỷ đồng; VCG tăng 1,32% với 327,8 tỷ đồng; HAH tăng 1,59% với 320,3 tỷ đồng; DGW tăng 1,13% với 211 tỷ đồng và PVD tăng 1,47% với 175,8 tỷ đồng.

Phiên hôm nay đánh dấu lần thứ tư liên tiếp thị trường mở gap tăng điểm và duy trì sắc xanh suốt cả ngày. Mẫu hình nến Marubozu tiếp tục xuất hiện, thể hiện lực mua chủ động mạnh mẽ. Dù thanh khoản có phần giảm nhẹ so với phiên trước, nhưng vẫn cao hơn trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền vẫn hiện diện tích cực. Tuy nhiên, với sự phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là bộ ba nhà Vingroup, trong khi dòng tiền chưa lan tỏa đồng đều sang các nhóm ngành khác, khả năng thị trường sẽ đối mặt với áp lực chốt lời và điều chỉnh trong các phiên tới nếu không có thêm động lực hỗ trợ từ bên ngoài.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.